Trang Military.com dẫn nguồn tin Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết, cơ quan này vừa thử nghiệm thành công phiên bản nâng cấp với hệ thống dẫn đường của bom hạt nhân chiến thuật B61-12.
Nguồn tin này cho biết, phiên bản cải tiến thứ 12 của bom B61-12 được cho là có độ chính xác cao hơn gấp 3 lần so với những phiên bản trước đó. Dù không tiết lộ cụ thể kết quả nhưng Lầu Năm Góc khẳng định cuộc thử nghiệm đã thành công đúng như kế hoạch đề ra.
Được biết, ngay trước khi tiến hành thử nghiệm thành công, Cơ quan quản lý an ninh quốc gia Mỹ đã cho phép sản xuất phiên bản B61-12 nâng cấp.
Các hiệp ước hiện hành về hạn chế vũ khí hủy diệt hàng loạt và các phương tiện vận chuyển đã được ký kết giữa hai nước Nga và Mỹ (vũ khí hạt nhân chiến lược). Bom B61 không nằm trong hạn chế của Hiệp ước START, vì đó là vũ khí hạt nhân chiến thuật.
Bom hạt nhân B61-12 là phiên bản nâng cấp của bom hạt nhân chiến thuật B61. Phiên bản nâng cấp đầu tiên của loại bom này được phát triển trong những năm 1960.
Các thế hệ B61 đầu tiên là bom trọng lực được trang bị dù rơi tự do. Các phiên bản hiện đại hóa đã quyết định thay dù bằng thiết bị ổn định và hệ thống định vị, khiến bom có thể điều khiển được, nâng hiệu quả sử dụng của nó tăng lên gấp bốn lần.
Các chuyên gia cho rằng, 2 tính năng quan trọng của loại bom này là khả năng thay đổi công suất (từ 0,3 kiloton lên tới 170 kiloton), tùy thuộc vào nhiệm vụ đặt ra và nâng cao độ chính xác trong điều khiển bom. Điều này sẽ hạ thấp đáng kể ngưỡng sử dụng vũ khí hạt nhân.
Đầu tiên, bom hiện đại sẽ có độ chính xác cao hơn và sức công phá nhỏ, dẫn đến khả năng đạt hiệu quả tiêu diệt cao hơn, giảm thiểu hậu quả ngoài ý muốn. Đặc tính này sẽ làm tăng sự cám dỗ để sử dụng chúng, hạ thấp rõ rệt ngưỡng hạn chế dùng vũ khí hạt nhân.
Hầu hết máy bay chiến đấu hạng nặng của NATO đều có thể trang bị B61, còn máy bay ném bom có thể mang nhiều hơn gấp bội. Thời gian bay (tới các mục tiêu trên lãnh thổ Liên bang Nga) từ sân bay châu Âu ngắn hơn nhiều so với bay từ Mỹ.
Vấn đề là ở chỗ loại bom này chỉ có thể được sử dụng với mục đích "kết liễu" mục tiêu sau cuộc tấn công vùi dập đối phương bằng tên lửa. Tuy nhiên, trong điều kiện chiến tranh hủy diệt lẫn nhau, đòn kết thúc này khó có thể khả thi, bởi bom không thể cạnh tranh được với tên lửa.
Bên cạnh đó, máy bay NATO sẽ cần phải thâm nhập vào khu vực mà hệ thống phòng không của Nga hoạt động mạnh mẽ. Cơ hội cho các chiến đấu cơ Mỹ-NATO vượt qua mạng lưới như vậy là rất mong manh.
Do đó, hiệu quả sử dụng thực tế của B61 là rất thấp. Chính vì vậy, việc Mỹ tiếp tục nâng cấp B61-12 chưa hẳn đã là quyết định đúng đắn.
Theo Tuấn Vũ (Đất Việt)