Nhà Trắng đã bác bỏ thông tin cho rằng nước này đang dịu dần lập trường đối với thỏa thuận khí hậu Paris, khẳng định Washington sẽ rút khỏi thỏa thuận này trừ trường hợp tái tham gia thỏa thuận với những điều khoản thuận lợi hơn với nước Mỹ.
Phát biểu của Nhà Trắng được đưa ra khi bộ trưởng môi trường từ khoảng 30 nước đang có cuộc gặp tại Montreal, Canada nhằm thảo luận về các biện pháp để thúc đẩy việc thực hiện thỏa thuận Paris. Hồi tháng 6 vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố Mỹ chính thức rút khỏi thỏa thuận này. Tuy nhiên, Mỹ vẫn cử một quan sát viên tham dự hội nghị.
Phát biểu tại hội nghị, quan chức hàng đầu về khí hậu của Liên minh châu Âu Miguel Arias Canete cho biết, Mỹ khẳng định sẽ không đàm phán lại Thỏa thuận Paris nhưng sẽ tìm cách xem xét lại các điều khoản mà họ có thể tham gia. Vẫn theo ông Canete, sẽ có một cuộc họp với đại diện của Mỹ bên lề cuộc họp của Đại hội đồng LHQ diễn ra trong tuần này để “đánh giá về lập trường thực sự của Mỹ”. Ông Canete cũng khẳng định đây là thông điệp hoàn toàn khác với những điều mà ông Trump đã tuyên bố trước đây.
Tuy nhiên, trong tuyên bố được đưa ra ngày 16/9, Nhà Trắng đã bác bỏ thông tin trên. “Lập trường của Mỹ về thỏa thuận Paris không thay đổi. Như ngài Tổng thống đã nêu rõ, Mỹ sẽ rút khỏi thỏa thuận trừ trường hợp chúng tôi tái tham gia thỏa thuận với những điều khoản thuận lợi hơn với nước Mỹ”, Người phát ngôn Nhà Trắng Sarah Huckabee Sanders nhấn mạnh.
Được tổ chức theo lời kêu gọi của Canada, Trung Quốc và Liên minh châu Âu, hội nghị nói trên diễn ra tròn 30 năm sau khi các nước ký Nghị định thư Montreal về bảo vệ tầng ozon – thỏa thuận được bộ trưởng môi trường Canada ca ngợi là một “câu chuyện thành công” của các chính phủ, các tổ chức phi chính phủ và người dân để cùng chung tay đối phó với một mối đe dọa toàn cầu. Dự hội nghị có đại diện của hơn 1 nửa các thành viên G20 và một số nước bị tổn thương nhất bởi biến đổi khí hậu.
Phát biểu kết thúc hội nghị, Bộ trưởng Catherine McKenna nhấn mạnh biến đổi khí hậu là có thật khi những hiện tượng khí hậu cực đoan đang diễn ra ngày càng thường xuyên, mạnh mẽ và gây thiệt hại nặng nề hơn, điển hình là những siêu bão như Harvey và Irma vừa xảy ra. “Chúng tôi cam kết thực thi đầy đủ Thỏa thuận Paris. Tất cả mọi người đều đồng ý rằng môi trường và kinh tế luôn song hành và có liên hệ với nhau. Các bạn không thể tăng trưởng kinh tế mà không chú ý tới môi trường”, Bộ trưởng McKenna nói.
Tháng 12/2015, gần 200 nước đã nhất trí tham gia thỏa thuận Paris về cắt giảm khí thải carbon dioxide nhằm hạn chế sự nóng lên toàn cầu. Khi Mỹ quyết định rút khỏi thỏa thuận, Canada, Trung Quốc và EU đã ngay lập tức khẳng định lại cam kết của họ trong việc tiếp tục thỏa thuận này.
Tại hội nghị vừa diễn ra, các bộ trưởng các nước đã bàn về cách thức để thu hẹp sự khác biệt cũng như để đạt được cách hiểu rõ ràng hơn trong việc thực thi thỏa thuận đầy tham vọng này. Hội nghị diễn ra chỉ chưa đầy 2 tháng trước khi các bên sẽ tham gia Hội nghị của LHQ về biến đổi khí hậu (COP 23) được tổ chức tại Bonn vào tháng 11 tới.
Theo Tâm An (Pháp Luật TPHCM)