Mỹ và Hàn Quốc đang thảo luận vấn đề triển khai thêm “các thiết bị quân sự chiến lược” tới bán đảo Triều Tiên sau cuộc thử nghiệm hạt nhân tuần trước của Bình Nhưỡng, nhưng không khôi phục vũ khí hạt nhân cho Seoul.
Binh sỹ Mỹ canh gác trước chiến đấu cơ F-16 tại căn cứ không quân Osan tại Pyeongtaek - Hàn Quốc. Ảnh: Reuters |
Từ Washington, quan chức này cho biết hai bên đang thảo luận việc triển khai “các loại thiết bị quân sự” nhưng chỉ dừng lại ở các máy bay ném bom có năng lực hạt nhân, thay vì khôi phục vũ khí hạt nhân cho Hàn Quốc lần đầu tiên trong khoảng một phần tư thế kỉ qua. Cựu tổng thống Mỹ George H.W. Bush chính là người đã ra quyết định tước bỏ vũ khí hạt nhân khỏi Hàn Quốc năm 1991.
"Việc đó (khôi phục vũ khí hạt nhân cho Hàn Quốc) có thể nhanh chóng gây leo thang một cuộc đua vũ trang cực kỳ nguy hiểm trong khu vực” – quan chức nói trên cho hay. Khi được hỏi về quyết định này của Mỹ có thể khiến Triều Tiên càng lấn tới trong chương trình vũ khí hạt nhân hay không, quan chức trên cho rằng: “Điều đó hoàn toàn có thể xảy ra”.
Trước đó, hôm 10-1, Mỹ đã phái một máy bay ném bom chiến lược B-52 từ căn cứ không quân Andersen ở đảo Guam bay đến Hàn Quốc nhằm “dằn mặt” Triều Tiên sau vụ thử hạt nhân mới nhất. Trong khi đó, Tướng Curtis Scaparrotti - Tư lệnh Bộ chỉ huy các lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc (USFK) đã yêu cầu đặt lực lượng Mỹ ở Hàn Quốc vào tình trạng báo động cao nhất để đề phòng mọi hành động khiêu khích từ phía Triều Tiên.
Bên cạnh đó, Bộ Quốc phòng Mỹ và Nhật Bản tuyên bố hợp tác sản xuất các bộ phận của tên lửa đánh chặn SM-3 Block IIA tại Nhật Bản. Quan chức hai bên khẳng định việc phối hợp sản xuất này nhằm đối phó với các tên lửa đạn đạo của Triều Tiên.
Theo Đỗ Quyên (Nld.com.vn)