Ngay khi Mỹ tấn công Syria bằng gần 60 quả tên lửa Tomahawk, Nga quyết định điều gấp chiến hạm Đô đốc Grigorovich với hệ thống phòng không cực mạnh đến Tartus.
Đại tá Hải quân Nga Vyacheclav Truhachev - phát ngôn viên Hạm đội Biển Đen nói rằng khinh hạm này sẽ hoạt động trong thành phần lực lượng Hải quân Nga thường trực ở ngoài khơi Syria để chống khủng bố. Tuy nhiên, vị đại diện này không cho biết thời điểm cụ thể con tàu sẽ hiện diện tại quân cảng Tartus.
Dù với lý do tàu Đô đốc Grigorovich hiện diện ngoài khơi Syria chỉ nhằm mục đích chống khủng bố nhưng theo nhận định của phương Tây, quyết định này của Nga nhằm đối phó với tàu ngầm hạt nhân của Hải quân Mỹ đang có mặt tại vùng biển này, đặc biệt sau pha tấn công bất ngờ bằng Tomahawk của Mỹ vào Syria.
Vậy chiến hạm Đô đốc Grigorovich có thể hoàn thành được nhiệm vụ gì khi hiện diện tại đây?
Chiến hạm Đô đốc Grigorovich. |
Theo lý thuyết, với vũ khí trang bị, việc đánh chặn những tên lửa hành trình kiểu như Tomahawk, tên lửa chống hạm Harpoon của Mỹ không phải là nhiệm vụ quá khó khăn với tàu Đô đốc Grigorovich.
Cụ thể, trong tác chiến phòng không, chiến hạm Đô đốc Grigorovich được trang bị cụm ống phóng thẳng đứng chứa đạn tên lửa của hệ thống tên lửa đối không tầm trung Shtil-1 với 3 module phóng thẳng đứng 3S90E. Mỗi module chứa 12 tên lửa 9M317E.
Đạn tên lửa 9M317ME dài 5,18m, sử dụng nhiên liệu rắn. Sức phá hủy của đạn tên lửa này nằm ở đầu đạn nổ phân mảnh 62kg, tốc độ tiếp cận cao 1500-1550m/giây và áp dụng phương thức tấn công nổ cận đích tạo chùm mảnh định hướng để tăng xác xuất tiêu diệt mục tiêu.
Tầm bắn của tổ hợp Shtil-1 là 50km. Tổ hợp này không có radar nhìn vòng độc lập mà nó sử dụng radar của chiến hạm để xác định tham số: Phương vị, góc tà và cự ly của mục tiêu để chỉ thị cho radar dẫn bắn tên lửa.
Hệ thống radar dẫn bắn cải tiến giúp Shtil-1 có thể dẫn bắn cùng lúc 12 mục tiêu. Ngoài ra, tổ hợp cũng trang bị thiết bị quan sát quang-điện giúp khai hỏa vào mục tiêu kể cả trong điều kiện bị đối kháng điện từ mạnh không thể dẫn bắn bằng radar.
Trên tàu Đô đốc Grigorovich trang bị 2 module Kashtan-M, mỗi bệ chiến đấu lắp 2 pháo phòng không 6 nòng cỡ 30 mm (tầm bắn 5.000 m) và 8 tên lửa 9M311 đạt tầm bắn xa tối đa 10 km. Ngoài ra, theo nguồn tin quân sự Nga, chiến hạm này còn được trang bị hệ thống đánh chặn ngầm Paket-NK.
Mỹ phóng tên lửa Tomahawk vào Syria. |
Đình chỉ thỏa thuận
Cùng với quyết định tăng cường năng lực chiến đấu, đặc biệt là phòng không ngoài khơi Syria sau khi Mỹ bất ngờ phóng tên lửa Tomahawk vào Syria, Moskva đã phản ứng mạnh bằng cách đưa ra quyết định nóng là đình chỉ thỏa thuận tránh va chạm trên không với Mỹ tại Damascus.
Thông tấn TASS dẫn tuyên bố chính thức của Bộ Ngoại giao Nga chiều 7/4 nêu rõ: "Phía Nga sẽ đình chỉ hiệu lực của bản ghi nhớ về ngăn ngừa các sự cố và đảm bảo an toàn cho các chuyến bay trong những chiến dịch tại Syria được ký với Mỹ".
Bản ghi nhớ nói trên được ký sau khi Nga khởi động chiến dịch không kích tại Syria hồi tháng 9/2015. Theo thỏa thuận này, Nga và Mỹ đã trao đổi thông tin về những lần xuất kích nhằm tránh những sự cố đáng tiếc trên bầu trời quốc gia Trung Đông.
Cùng với việc đưa ra tuyên bố trên, Moskva còn thúc giục Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc tổ chức một cuộc họp khẩn cấp để thảo luận về tình hình hiện nay tại Syria, coi cuộc tấn công đơn phương của Mỹ nhằm vào Syria là sự vi phạm nghiêm trọng luật quốc tế.
Nga còn coi việc nã hàng chục quả tên lửa Tomahawk vào căn cứ không quân Shayrat của Syria là một âm mưu đánh lạc hướng sự chú ý của dư luận quốc tế vào những gì đang diễn ra tại thành phố Mosul (Iraq).
Bộ Ngoại giao Nga chỉ trích: "Không nghi ngờ gì nữa, cuộc tấn công của Mỹ là một âm mưu phân tán sự chú ý vào tình hình tại Mosul, nơi hàng trăm dân thường thiệt mạng do những hành động quân sự, bao gồm của liên minh do Mỹ dẫn đầu, cũng như thảm họa nhân đạo đang gia tăng".
Theo Tuấn Hưng (Đất Việt)