Mỹ đã thử nghiệm thành công ra-đa đa phổ tổng hợp mới (ViSAR) cho phép phương tiện bay có thể phát hiện và theo dõi các mục tiêu trên mặt đất kể cả khi nó bị mây mù hay khói bụi che phủ, đó là thông tin được Cơ quan phụ trách Các dự án tương lai (DAPRA) công bố ngày 4-10.
Công nghệ ViSAR giúp nâng cao đáng kể năng lực tác chiến của Không quân Mỹ trong điều kiện khắc nghiệt. |
“Đây là bước tiến công nghệ quan trọng đối đáp ứng việc phát triển các công nghệ trinh sát và dẫn đường mới”, ông B. Wallace nói. DAPRA phát triển chương trình ViSAR từ năm 2013.
Theo lời ông B. Wallace, ngoài khả năng nhìn xuyên mây và khói bụi, ViSAR cũng đáp ứng khả năng giám sát các mục tiêu di chuyển.
“So với SAR, công nghệ ViSAR có nhiều ưu việt. SAR chỉ có thể giám sát các mục tiêu tĩnh, trong khi đó ViSAR giám sát tốt các mục tiêu chuyển động, kể cả trong môi trường khắc nghiệt”, chuyên gia quân sự Patrick Tucker đánh giá.
Về công nghệ, ViSAR là tập hợp của hệ thống cảm biến có khả năng thu và phát tín hiệu tần số lớn kết hợp cùng cảm biến quang-hồng ngoại. Các thông tin thu được từ hệ thống cảm biến được tổng hợp để từ đó có được hình ảnh về mục tiêu.
“Trong khi hệ thống cảm biến quang-hồng ngoại theo dấu mục tiêu xuyên qua mây mù, thì ra-đa đa khẩu độ giúp định vị và theo dõi chúng. Đây chính là nền tảng của công nghệ ViSAR”, ông B. Wallace cho biết.
Dự kiến, công nghệ ViSAR sẽ được tiếp tục hoàn thiện trong thời gian tới và có thể trang bị cho Quân đội Mỹ trước năm 2020.
Theo Tuấn Sơn (Quân Đội Nhân Dân Online)