Ngày 28-11, trang tin Business Insider dẫn nguồn tin từ Lầu Năm góc đăng tải, lực lượng Thủy quân lục chiến Mỹ đang phát triển công nghệ áo giáp chống đạn đặc biệt có khả năng giúp cầm máu các vết thương người lính gặp phải trên chiến trường.
Theo nguồn tin trên, phát minh trên do một binh sĩ Thủy quân lục chiến Mỹ có tên Matthew Long sáng chế. Điểm đặc biệt của áo giáp trên là không chỉ cấu tạo từ các lớp vật liệu gia cố đặc biệt giúp chống đạn, mà còn được bọc một lớp vật liệu giúp các vết thương có thể được cầm máu.
Điều này có thể cứu sinh mạng nhiều binh sĩ trên chiến trường trước nguy cơ thiệt mạng do mất máu vì các vết thương hở.
Công nghệ áo giáp mới hiện đang được áp dụng thử nghiệm trên một số dòng áo giáp có cấp độ bảo vệ khác nhau, trong đó có thế hệ áo giáp được gia cố bằng các mảnh gốm giúp bảo vệ người lính khỏi mảnh đạn và đạn bắn thẳng cỡ 9mm.
Theo giải thích của binh sĩ M. Long, hiệu quả cầm máu của thế hệ giáp chống đạn mới là nhờ các gói hợp chất đặc biệt chứa chất giảm đau và giúp đông máu. Tuy nhiên, các thông tin cụ thể về thế hệ giáp chống đạn mới trên không được tiết lộ.
Giới chức quân đội Mỹ hiện rất quan tâm tới phát kiến của binh sĩ M. Long. Anh này đã được chuyển tới làm việc tại một cơ sở của Cơ quan Nghiên cứu các dự án tương lai (DARPA) để hoàn thiện phát kiến của mình. Lầu Năm góc hy vọng, sáng kiến của M. Long sẽ biến thành sản phẩm thực tế trong thời gian sớm nhất.
Mới đây, Quân đội Mỹ cũng phát triển công nghệ quân phục và áo giáp bảo vệ có khả năng cầm máu nhờ các phao bơm hơi cố định các bộ phận hay khu vực trên cơ thể bị thương. Hệ thống này hoạt động nhờ các cảm biến gắn trên áo giáp. Tuy nhiên, không rõ công nghệ trên đã hoàn thiện hay chưa.
Ngoài Mỹ, nhiều quốc gia trên thế giới cũng đang nghiên cứu các vật liệu đặc biệt có thể áp dụng trên áo chống đạn, trong đó đáng chú ý có công nghệ áo giáp chất lỏng. Nguyên lý của hỗn hợp chất lỏng trong áo giáp bảo vệ dựa trên công nghệ màng nano.
Nó có tác dụng liên kết vật liệu thành một khối rắn chắc hơn thép khi bị ngoại lực tác động. Tuy nhiên công nghệ này vẫn cần thời gian để hoàn thiện. Anh là quốc gia đi đầu trong việc phát triển công nghệ trên.
Theo Tuấn Sơn (Qdnd.vn)