Bình Nhưỡng có thể đang đóng mới một tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo lớp Sinpo-C, khí tài hải quân lớn nhất lịch sử nước này.
Tàu ngầm mang SLBM lớp Sinpo-B của Triều Tiên. Ảnh minh họa: KCNA. |
Tình báo Mỹ đã phát hiện dấu hiệu cho thấy Triều Tiên đang chế tạo một tàu ngầm diesel - điện mới tại nhà máy Sinpo phía đông nước này. Chiếc tàu ngầm có lượng giãn nước khoảng 2.000 tấn và rộng khoảng 11m, trở thành khí tài hải quân lớn nhất của Bình Nhưỡng từ sau sự xuất hiện của tàu hộ vệ lớp Najin, Diplomat ngày 18/10 đưa tin.
Chiếc tàu ngầm được tình báo Mỹ gọi là Sinpo-C, nhiều khả năng là phiên bản nối tiếp của tàu ngầm lớp Gorae (Sinpo-B), vốn chỉ có một chiếc được chế tạo. Sinpo-B chưa được đưa vào biên chế chính thức, cũng là tàu ngầm duy nhất của Triều Tiên có khả năng trang bị và vận hành tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) Pukguksong-1.
Lớp Gorae đã được nâng cấp hồi đầu năm nay, bao gồm việc trang bị ống phóng SLBM mới. Tuy nhiên, không rõ ống phóng mới sẽ được sử dụng cho tên lửa Pukguksong-1 hay mẫu SLBM mới do Bình Nhưỡng phát triển. Hồi tháng 8, Triều Tiên công bố thông tin về loại SLBM sử dụng nhiên liệu rắn mang tên Pukguksong-3, nhưng tình báo Mỹ chưa thể xác nhận sự tồn tại của loại tên lửa này.
Phiên bản Pukguksong-3 có thể sử dụng vật liệu composite nhẹ hơn, cho phép nó đạt tầm bắn lớn hơn nhiều so với dòng Pukguksong-1. Vào giữa năm nay, Triều Tiên từng tiến hành một loạt vụ phóng thử SLBM gần xưởng đóng tàu Sinpo, căn cứ của chiếc Gorae và nơi đóng tàu ngầm Sinpo-C. Mục đích của các vụ phóng thử nhằm xác định khả năng vận hành của hệ thống phóng lạnh, cho phép đẩy quả tên lửa lên khỏi mặt biển trước khi kích hoạt động cơ chính.
Tàu ngầm Sinpo-B neo đậu tại cảng. Ảnh: Google Earth. |
Việc đóng mới chiếc Sinpo-C cho thấy Triều Tiên đang tăng cường khả năng răn đe trên biển bằng lực lượng tàu ngầm chiến lược trong thời gian tới. Tàu ngầm lớp Sinpo-B đơn lẻ sẽ khó có thể sống sót khi nổ ra xung đột quân sự, nhất là khi nó thường xuyên neo đậu tại vị trí cố định.
Theo Trọng Nghĩa (VnExpress.net)