"Bộ Ngoại giao Mỹ chưa bao giờ đồng ý với phương pháp xét nghiệm này và đã phản đối trực tiếp với Bộ Ngoại giao Trung Quốc khi chúng tôi biết một số thành viên phái đoàn Mỹ bị áp dụng phương pháp này", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price hôm 25/2 cho hay.
"Bộ Ngoại giao Trung Quốc cam đoan với chúng tôi rằng xét nghiệm được tiến hành do nhầm lẫn và nhân viên ngoại giao được miễn yêu cầu này. Hướng dẫn của chúng tôi đối với nhân viên ngoại giao vẫn như mọi khi: từ chối xét nghiệm này nếu được yêu cầu", Price nói thêm.
Tuyên bố được đưa ra sau khi quan chức ngoại giao Mỹ tại Trung Quốc nói rằng họ phải thực hiện xét nghiệm nCoV qua hậu môn, bất chấp họ thuộc diện miễn trừ.
"Bộ cam kết đảm bảo an toàn và an ninh của các nhà ngoại giao Mỹ cũng như gia đình họ, đồng thời giữ gìn phẩm giá của họ, phù hợp Công ước Vienna về quan hệ ngoại giao cũng như quy định pháp luật ngoại giao liên quan", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ cho hay.
Tuy nhiên, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên trước đó bác thông tin buộc nhà ngoại giao Mỹ xét nghiệm qua hậu môn. "Tôi đã xác minh với các đồng nghiệp. Như tôi được biết, Trung Quốc chưa bao giờ yêu cầu nhân viên ngoại giao Mỹ tại đây phải lấy mẫu xét nghiệm từ hậu môn", ông Triệu nói.
Trung Quốc tháng trước cho biết phương pháp lấy mẫu xét nghiệm nCoV từ hậu môn có thể hiệu quả hơn phương pháp lấy dịch hầu họng thông thường, do virus có thể tồn tại lâu hơn trong hệ tiêu hóa. Giới chức Trung Quốc đã sử dụng phương pháp này với những người được cho là có nguy cơ cao nhiễm virus, gồm cư dân khu vực lân cận nơi phát hiện ca nhiễm hay một số du khách quốc tế.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin khi phương pháp xét nghiệm nCoV qua hậu môn được áp dụng ở Bắc Kinh trong đợt bùng phát nhỏ hồi tháng 1 đã gây ra tranh cãi trên Weibo, khi nhiều người cho rằng phương pháp "ghê sợ", trong khi nhiều người bày tỏ sự hào hứng với biện pháp xét nghiệm mới.
Tuy nhiên, giới chức Bắc Kinh cũng thừa nhận rất khó áp dụng xét nghiệm nCoV qua hậu môn rộng rãi như các phương pháp khác, vốn được áp dụng để xét nghiệm cho hàng triệu người, vì cách làm này "bất tiện" cho cả nhân viên y tế lẫn người được xét nghiệm.
Theo Huyền Lê (Vnexpress.net)