Trong lúc còn nhiều dấu hỏi về chính sách đối ngoại của Tổng thống đắc cử Donald Trump cũng như số phận của chính sách xoay trục sang châu Á, bà Susan Rice, Cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Barack Obama, vừa có bài viết “Sự lãnh đạo của Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương phải tiếp tục” đăng trên tạp chí Mỹ Foreign Policy.
Cách đây 7 năm, Tổng thống Obama cùng lãnh đạo 20 nền kinh tế dự hội nghị thượng đỉnh APEC tại Singapore, nền kinh tế toàn cầu vẫn quay cuồng trong cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất kể từ thời Đại suy thoái. Mỹ đang bị cuốn vào 2 cuộc chiến tranh lớn và tốn kém ở Iraq và Afghanistan, nhưng gần như không tham gia vào khu vực tăng trưởng nhanh nhất thế giới, châu Á – Thái Bình Dương.
Tuần tới, tại Peru, các lãnh đạo APEC sẽ tụ họp để thảo luận một lần nữa tương lai của khu vực đang lên này. Đó sẽ là cuộc gặp thượng đỉnh ở nước ngoài của Tổng thống Obama. Và, nhờ việc Tổng thống Obama tái tập trung vào châu Á – Thái Bình Dương ngay từ khi bắt đầu nhiệm kỳ, hội nghị lần này diễn ra khi Mỹ đang can dự sâu vào khu vực hơn bất kỳ thời điểm nào trong nhiều thập kỷ qua.
Tại sao điều đó quan trọng? Mỹ là một cường quốc Thái Bình Dương, đóng góp vào sự ổn định khu vực trong hơn 70 năm. Châu Á – Thái Bình Dương chiếm hơn 40% tăng trưởng kinh tế toàn cầu, có 4 trong 10 đối tác thương mại hàng đầu của Mỹ, và có 5 đồng minh hiệp ước của Mỹ. Như Tổng thống nói: “Vận mệnh của Mỹ và châu Á – Thái Bình Dương đã trở nên gắn bó chặt chẽ hơn bao giờ hết”.
Đó là lý do Tổng thống Obama đã tái cân bằng chính sách đối ngoại để Mỹ đóng vai trò lớn hơn và lâu dài hơn ở châu Á – Thái Bình Dương. Mỹ đã tăng cường hợp tác với các đồng minh hiệp ước như Nhật Bản, Hàn Quốc và Úc, trong khi thúc đẩy quan hệ với các nền kinh tế và cường quốc đang nổi lên, từ Ấn Độ đến Indonesia, Việt Nam và Malaysia. Mỹ đã tăng cường can dự vào Đông Nam Á và tăng cường hỗ trợ cho các thể chế khu vực như Asean. Mỹ đã gia tăng thương mại và đầu tư, và đã hoàn tất thỏa thuận Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) – một thỏa thuận mang tính cột mốc của 12 quốc gia nhằm đề ra quy tắc thương mại cho gần 40% kinh tế toàn cầu. Mỹ đã ủng hộ mạnh mẽ quyền và phẩm giá của người dân ở Thái Bình Dương, trong đó có việc khuyến khích đổi mới dân chủ ở Myanmar. Mỹ đã quản lý quan hệ phức tạp nhưng ngày càng bền chặt và năng suất với Trung Quốc. Và, tại Sunnylands, California, đầu năm nay, Tổng thống Obama cùng lãnh đạo Đông Nam Á tái khẳng định tầm nhìn chung về tương lai của khu vực năng động, một châu Á – Thái Bình Dương dựa trên luật lệ, phát triển hòa bình và thịnh vượng.
Các kết quả đã rõ ràng. Kể từ năm 2009, xuất khẩu của Mỹ sang châu Á-Thái Bình Dương tăng 50%, hỗ trợ hơn 700.000 việc làm ở Mỹ. Vào cuối thập kỷ này, phần đông các hạm đội Hải quân và Không quân sẽ đóng trên Thái Bình Dương. Các sáng kiến lãnh đạo trẻ của Mỹ đang giúp hơn 100.000 người phát huy tiềm năng của họ. Trung Quốc và các nước châu Á-Thái Bình Dương đóng vai trò quan trọng trong thỏa thuận Paris lịch sử để đối phó với biến đổi khí hậu. Tổng thống Obama cũng trở thành tổng thống Mỹ đầu tiên thăm Myanmar và Lào, và có chuyến thăm lịch sử đến Việt Nam, khi những quốc gia này tiếp tục mở cửa với thế giới.
Vai trò lãnh đạo của Mỹ đã đặt nền tảng mạnh mẽ cho hòa bình và thịnh vượng ở khu vực. Nhưng, trong một thế giới nguy hiểm và bất trắc, Mỹ không thể buông tay. Những tuyên bố chủ quyền xung đột nhau làm gia tăng căng thẳng trên biển Đông, trong khi Triều Tiên tiếp tục những khiêu khích liều lĩnh. Mối đe dọa từ chủ nghĩa cực đoan bạo lực vẫn là hiện thực. Để thúc đẩy những giá trị và lợi ích ở khu vực này trong những năm tới, điều quan trọng là Mỹ phải tiếp tục can dự chủ động.
5 việc cần làm
Trước tiên, Mỹ phải duy trì can dự kinh tế mạnh mẽ và đẩy mạnh quan hệ trong khu vực quan trọng chiến lược này. Thương mại phản ánh các giá trị Mỹ có lợi cho các doanh nghiệp và công nhân Mỹ khi bảo đảm rằng họ có thể cạnh tranh trên một sân chơi bình đẳng. Đó là lý do Tổng thống Obama phấn đấu để đặt ra quy tắc cho con đường thương mại để bảo đảm cạnh tranh bình đẳng, bảo vệ môi trường và nâng cao tiêu chuẩn lao động thông qua TPP. Nếu Mỹ không vạch ra quy tắc cho con đường này, những người khác sẽ làm – không chỉ trong thương mại mà cả an ninh mạng, không phổ biến vũ khí hạt nhân và vai trò của xã hội dân sự. Thực sự, Trung Quốc đang theo đuổi thỏa thuận thương mại khu vực của riêng họ, với những tiêu chuẩn thấp hơn và bảo vệ ít hơn. Như Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long nhận ra, sự can dự kinh tế của Mỹ vào châu Á-Thái Bình Dương là phép thử cho uy tín của Mỹ ở khu vực. Mỹ có thể và phải vượt qua phép thử đó.
Thứ hai, Mỹ sẽ cần duy trì một trật tự dựa trên luật lệ khi đây là điều quan trọng cho ổn định và an ninh ở châu Á-Thái Bình Dương. Mỹ tin rằng tất cả các quốc gia và người dân xứng đáng được sống trong hòa bình và an ninh, và rằng chủ quyền lãnh thổ của mọi quốc gia phải được tôn trọng, dù quy mô hay sức mạnh của họ đến đâu. Mỹ sẽ tiếp tục bay, đi tàu và hoạt động ở bất kỳ nơi nào luật quốc tế cho phép, và ủng hộ quyền của tất cả quốc gia cùng làm như vậy. Và, khi tranh chấp nảy sinh, Mỹ thúc giục tất cả các bên giải quyết chúng một cách hòa bình và đúng pháp luật.
Thứ ba, Mỹ phải tiếp tục hợp tác với nhau để giải quyết các thách thức toàn cầu. Các nhân viên y tế Mỹ và Trung Quốc kề vai sát cánh để đẩy lùi đại dịch Ebola, hay khi các quốc gia ở châu Á-Thái Bình Dương cùng đẩy lùi việc phổ biến vũ khí hạt nhân hay phản ứng với các thảm họa tự nhiên…
Thứ tư, Mỹ không thể lung lay trong việc bảo vệ các quyền cơ bản và phẩm giá của mọi người. Trong đó có việc đấu tranh cho bầu cử công bằng và tự do, tự do báo chí và tiếp cận internet, quyền của các nhóm thiểu số và cộng đồng người đồng tính, song tính và chuyển giới…
Cuối cùng, Mỹ cần tiếp tục trao quyền cho các đại sứ giỏi nhất ở châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ. Tương lai của khu vực này sẽ được tạo nên không phải bởi những con tàu trên biển Đông mà bởi các sinh viên Mỹ đang học ở Bắc Kinh, bởi rapper trẻ mà Tổng thống gặp ở Việt Nam, hay doanh nhân Peru giúp những phụ nữ nghèo tham gia nền kinh tế kỹ thuật số. Kết nối người dân và giải phóng năng lượng và tinh thần doanh nhân đáng kinh ngạc của họ là cách chắc chắn nhất để nâng cao đời sống và mở rộng cơ hội ra khắp khu vực và trên toàn cầu.
Hội nghị thượng đỉnh APEC lần này sẽ là hội nghị cuối cùng mà Tổng thống Obama tham dự, nhưng không thể và sẽ không phải là sự kết thúc cho sự can dự của Mỹ vào khu vực. Trong thế kỷ 21, ít quan hệ đối tác sẽ tác động đến an ninh và thịnh vượng của Mỹ như quan hệ của Mỹ với châu Á-Thái Bình Dương. Lợi ích của Mỹ ở khu vực là lâu dài. Cam kết của Mỹ cũng phải lâu dài.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Barack Obama cùng lãnh đạo các nền kinh tế APEC khác sẽ dự hội nghị cấp cao APEC tại Peru từ ngày 17-20/11. Dự kiến sẽ có một cuộc họp về TPP diễn ra trong khuôn khổ hội nghị này. |
Theo Trúc Quỳnh (Tiền Phong)