Theo Harvard Business Reviews (HBR), chỉ trong 2 thập kỷ qua, chính quyền Trung Quốc và các công ty con tại nước này đã cho vay khoảng 1,5 nghìn tỉ USD trực tiếp và tín dụng thương mại cho hơn 150 quốc gia trên toàn cầu. Điều đó biến họ trở thành chủ nợ lớn nhất thế giới, chiếm hơn 5% GDP toàn cầu.
Số nợ công mà nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sở hữu hiện đã vượt qua nhiều kênh cho vay truyền thống như Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), thậm chí hơn tổng các chủ nợ của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) gộp lại.
Báo cáo này còn cho biết, Trung Quốc cũng từng là “trùm cho vay” lớn nhất của Mỹ với khoảng 1.100 tỷ USD (tính đến tháng 3/2019), trước khi vị trí này được chuyển sang Nhật Bản vào tháng 6/2019, khi nước này bơm thêm 21,9 tỷ USD để mua các loại trái phiếu chính phủ Mỹ, nâng tổng giá trị nắm giữ nợ công Mỹ lên 1.112 tỷ USD.
Tuy nhiên, dù qui mô cho vay ở nước ngoài của Trung Quốc đang bùng nổ, không có dữ liệu chính thức nào về dòng nợ và cổ phiếu. Quốc gia này không báo cáo về các khoản cho vay quốc tế và điều này khiến cho nhiều tổ chức thu thập dữ liệu truyền thống gặp khó khăn khi tìm hiểu về nền tài chính của quốc gia này.
Theo các chuyên gia, Trung Quốc cho Chính phủ Mỹ vay tiền (hay mua nợ công Mỹ) là bởi họ muốn thực hiện việc “nhân dân tệ hóa” các giao dịch quốc tế, nhằm thu về lượng ngoại tệ khổng lồ từ các hoạt động ngoại thương.
Một lý do quan trọng nữa là thu ngoại tệ về sẽ giảm chi phí xuất khẩu cho Trung Quốc. Theo đó, củng cố sự ổn định cho đồng nhân dân tệ, chưa kể đến việc đồng USD từ lâu được xem là đồng tiền có giá trị và an toàn nhất thế giới.
Ngoài ra, Trung Quốc thúc đẩy hoạt động xuất khẩu sang thị trường Mỹ sẽ có nhiều tác động đáng kể đến thặng dư thương mại. Khi Trung Quốc thu về các hóa đơn bằng đồng USD dưới dạng kho bạc, giá trị của nó sẽ được tăng lên. Đổi lại, người tiêu dùng Mỹ mua được sản phẩm giá rẻ của Trung Quốc và có thêm nguồn vốn đầu tư chảy vào.