Một chiếc Mi-17 của Afghanistan |
Các biện pháp trừng phạt chống lại hợp đồng duy trì kỹ thuật cho trực thăng đa chức năng Mi-17V-5 được thực hiện nhằm chống lại nhà xuất khẩu vũ khí Nga Rosoboronexport vừa được phía Mỹ dỡ bỏ, tạp chí US Federal Register cho biết.
Nội dung quyết định dỡ bỏ trừng phạt cho thấy Mỹ dừng trừng phạt Nga trong việc mua các phụ tùng thay thế và thực hiện các công đoạn bảo dưỡng cho máy bay trực thăng Mi-17.
Quyết định dỡ bỏ trừng phạt kể trên có hiệu lực 2 năm kể từ ngày ký, trừ phi có quyết định khác thay thế.
"Có khả năng là Afghanistan đã gây áp lực với Mỹ trong động thái này.
Người Afghanistan cần máy bay trực thăng và dịch vụ bảo trì tương ứng chứ không phải là trừng phạt", ông Mikhail Khodarenok, chủ bút tờ Voenno-Promyshlennyi Kurier (một tờ báo phân tích công nghệ quân sự của Nga) giải thích.
Hai hợp đồng cung cấp máy bay trực thăng Mi-17 cho chính quyền Afghanistan với tổng cộng 63 chiếc đã được hoàn thành từ năm 2011 đến năm 2014.
Chính phủ Mỹ không muốn phải mua bán công nghệ quân sự với Nga cũng như khối lượng máy bay lớn mà phía Afghanistan đặt hàng.
Lầu Năm Góc cáo buộc hành động mua máy bay trực thăng Mi-17 cho Afghanistan là hành động "đầu tư" cho "kẻ thù tiềm năng".
Mỹ cũng đã đề nghị Afghanistan mua trực thăng vận tải hạng nặng Chinook để thay thế những chiếc Mi-17 mà nước này cần. Tuy nhiên, cuối cùng Lầu Năm Góc buộc phải chọn trực thăng của Nga vì phi công Afghanistan chỉ quen lái máy bay Nga.
"Trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt ở Afghanistan, Mi-17 là không thể thay thế", ông Vadim Ligai, Giám đốc nhà máy chế tạo hàng không Kazan, đơn vị sản xuất Mi-17 cho biết.
Các nhà xuất khẩu vũ khí Nga coi việc thực hiện các hợp đồng xuất khẩu máy bay Mi-17 là "cửa ngõ" để họ có thể xâm nhập vào thị trường vũ khí tại Afghanistan, vốn là thị trường độc quyền của Mỹ. Mới đây, Nga đã bán cho Afghanistan 10.000 khẩu AK.
Theo Thiên Hà (Một Thế Giới)