Ung Chính là vị hoàng đế thứ 5 của nhà Thanh. Trong suốt 13 năm trị vì (từ năm 1722 – 1735), Ung Chính được sử sách đánh giá là một vị hoàng đế siêng năng, cần kiệm và chống tham nhũng quyết liệt. Nhiều chính sách của ông đã mở đường cho sự thịnh trị kéo dài gần 150 năm tiếp theo của nhà Thanh.
Mặc dù triều đại của hoàng đế ngắn hơn nhiều so với cha mình là Khang Hi Đế (trị vì 61 năm) và con trai (Càn Long Đế, trị vì 60 năm), nhưng ông đã tiếp nối một thời kỳ hòa bình và thịnh vượng cho vương triều nhà Thanh. Do đó, có thể nói rằng, không có Ung Chính thì không có cái gọi là Khang Càn thịnh thế, giai đoạn phát triển cực thịnh của nhà Thanh.
Dưới sự trị vì của hoàng đế Ung Chính, nhà Thanh phát triển thịnh vượng. Trong hậu cung của vị hoàng đế nổi tiếng này có nhiều vị phi tần. Theo thống kê trong lịch sử, hoàng đế Ung Chính có khoảng 30 thê thiếp, nhưng phần lớn là phi tần cấp trung và cấp thấp. Trong số khoảng 30 người này, chỉ có 8 phi tần là có cập bậc cao, bao gồm hoàng hậu, hoàng quý phi, phi và tần.
Khi nhắc đến phi tần của Ung Chính, nhiều người hay nhớ đến Hi phi, thân mẫu của hoàng đế Càn Long, đồng thời là nhân vật hay được chuyển thể trong các bộ phim cổ trang. Bà trở thành hoàng thái hậu thời hoàng đế Càn Long, sử gọi là Sùng Khánh Hoàng thái hậu. Bà không chỉ có địa vị tối cao, con cháu đầy đàn mà còn được hưởng hết nhiều vinh hoa hoa phú quý, do thời kỳ Càn Long trị vì là hưng thịnh tột bậc.
Tuy nhiên, trong số các phi tần của hoàng đế Ung Chính, có một mỹ nhân đặc biệt. Bà là Mã Thường Tại (? – 1768), một vị phi tần có xuất thân tầm thường. Theo ghi chép trong lịch sử, vào tháng 7 năm Ung Chính thứ 7, mỹ nhân họ Mã nhập cung làm cung nữ. Không lâu sau, nàng được phong làm Đáp ứng. Đến năm Ung Chính thứ 8, mỹ nhân này được tấn phong làm Mã Thường tại.
Lúc sinh thời, Mã Thường tại được hoàng đế Ung Chính sủng ái. Đáng tiếc, đến năm 1735, hoàng đế Ung Chính lâm bệnh nặng và qua đời. Do đó, Mã Thường tại cũng không có cơ hội được tấn phong thêm vài cấp bậc nữa.
Sau khi Ung Chính qua đời, Bảo Thân vương Hoằng Lịch kế thừa đế vị và lấy niên hiệu là Càn Long. Mã Thường tại là nữ nhân của tiên đế và vẫn sống nhiều năm trong cung trong thời kỳ hoàng đế Càn Long trị vì.
Mã Thường tại sống lặng lẽ trong hoàng cung và có lẽ nhiều người còn không mấy nhớ đến vì nàng có xuất thân cực kỳ bình thường. Tuy nhiên, cả hoàng cung và hậu thế đều biết đến Mã Thường tại từng là nữ nhân của hoàng đế Ung Chính bằng một cách không ngờ tới. Đó chính là cái chết của nàng.
Theo đó, đến năm Càn Long thứ 33 (tức năm 1768), Mã Thường tại qua đời vì bệnh tật sau thời gian dài sống cô đơn trong cung. Chiếc quan tài chứa thi hài của bà được đặt tạm thời ở Điền thôn, cung điện đặt tạm thời hài cốt của các thành viên hoàng gia. Những viên quan phụ trách đã không tiến hành an táng ngay cho Mã Thường tại mà "lãng quên" quan tài của vị phi tần này trong cung suốt 7 năm.
Đến năm 1775, có người báo cho hoàng đế Càn Long biết chuyện này. Sau khi biết chuyện phi tần của tiên đế không được an táng sau 7 năm qua đời, hoàng đế Càn Long rất tức giận. Ông hạ lệnh chôn cất Mã Thường tại một cách chu đáo, đồng thời xử tội và trừng phạt nghiêm khắc các quan lại có liên quan lúc bấy giờ.
Theo đó, Mã Thường tại được an táng tại Phi viên tẩm trong Thái lăng. Trên thực tế, Thái lăng Phi viên tẩm nằm ở phía đông của địa cung Thái lăng. Đây là nơi an táng 21 vị phi tần của hoàng đế Ung Chính, bao gồm 1 hoàng quý phi, 3 phi, 1 tần, 5 quý nhân, 7 thường tại và 4 vị cách cách.
Phi viên tẩm này có 3 hàng chôn cất theo hướng nam lên bắc và từ đông sang tây. Mã Thường tại được an táng ở hàng thứ 2, bên cạnh 8 vị phi tần khác là Na Thường tại, Hải Quý nhân, An Quý nhân, Quách Quý nhân, Lý Quý nhân, Trương Quý nhân, Lý Thường tại và Xuân Thường tại.
Mặc dù Mã Thường tại chỉ là một vị phi tần cực kỳ bình thường trong hậu cung của Ung Chính, nhưng cái chết của nàng lại được ghi chép chính thức trong sử sách. Mã Thường tại không được ghi vào sử sách vì sự sủng ái hay địa vị mà vì cái chết của chính mình. Đây quả là nữ nhân "đáng thương" trong hậu cung của hoàng đế Ung Chính. Nàng ra đi trong sự cô đơn ở chốn thâm cung và phải tới 7 năm sau mới được an táng một cách đàng hoàng và tử tế.
Theo Minh Hằng (Phụ Nữ Số)