Để sở hữu lô 84 chiếc MH-139, Không quân Mỹ phải bỏ ra số tiền lên tới 2,4 tỷ USD. Dự kiến tất cả số máy bay này sẽ hoàn thành chuyển giao và đi vào hoạt động vào năm 2021.
Nói về lý do mua lượng lớn MH-139, Không quân Mỹ cho biết sẽ dùng những trực thăng tối tân này vào nhiệm vụ bảo vệ cơ sở tên lửa đạn đạo ICBM hoặc có thể phục vụ chuyên chở các quan chức cấp cao.
Theo những thông tin được nhà sản xuất công khai, MH-139 là phiên bản quân sự của trực thăng Leonardo AW-139.
Hãng Boeing hợp tác với hãng Leonardo (Italia) để sản xuất dòng máy bay này tại Philadelphia, bang Pennsylvania cho Không quân Mỹ.
Trong đó, Leonardo sẽ chịu trách nhiệm lắp ráp phần khung trong khi Boeing sẽ bổ sung các tính năng và khí tài quân sự vào trực thăng.
Được đánh giá là dòng trực thăng đa năng có độ tin cậy rất cao, MH-139 được trang bị 2 động cơ, tốc độ tối đa 310km/h, phạm vi hoạt động hơn 1.000km và được thiết kế cho nhiều nhiệm vụ khác nhau, gồm vận chuyển hành khách, binh lính, hàng hóa, cứu hỏa và tìm kiếm cứu nạn...
Riêng phiên bản MH-139 dùng cho Không quân Mỹ có thể lắp thêm súng máy hoặc vũ khí, khí tài khác tùy theo yêu cầu nhiệm vụ cụ thể.
Khi đưa vào trang bị, MH-139 sẽ thay thế cho UH-1 để bảo vệ các căn cứ tên lửa đạn đạo phân bố trên phạm vi rộng đến 50.000km2 tại 5 bang, thuộc lực lượng răn đe hạt nhân mặt đất của quân đội Mỹ.
UH-1 là mẫu trực thăng được sản xuất từ những năm 1950, vốn có vận tốc thấp, các tính năng bị đánh giá là đã lỗi thời trong hoàn cảnh tác chiến hiện đại và được cho là không thể đảm nhiệm nhiệm vụ quan trọng như canh giữ vũ khí hạt nhân.
Bắt đầu từ năm 2004, Bộ Quốc phòng Mỹ đã lên kế hoạch tìm kiếm các trực thăng mới để thay thế dòng UH-1. Nhưng kế hoạch thất bại khi những mẫu trực thăng mới có tính năng tương đương UH-1 lại có giá thành quá đắt. Vì vậy, Không quân Mỹ vẫn tiếp tục sử dụng trực thăng UH-1 để tiết kiệm chi phí.
Việc dùng MH-139 thay thế đội bay trực thăng UH-1 trong nhiệm vụ bảo vệ cơ sở tên lửa hạt nhân được đề xuất bởi các nghị sĩ bang Montana, Wyoming và Bắc Dakota, nơi có các hầm tên lửa ICBM.
Theo Đan Nguyên (Đất Việt)