Quân đội Mỹ cho rằng các chuyến bay quân sự của Trung Quốc trong tuần qua ở Biển Đông không gây ra bất kỳ mối đe dọa nào đối với nhóm tấn công tàu sân bay của Hải quân Mỹ trong khu vực, theo Reuters đưa tin.
"Nhóm tác chiến tàu sân bay USS Theodore Roosevelt giám sát chặt chẽ mọi hoạt động của hải quân và không quân Trung Quốc, song họ không gây ra mối đe dọa nào cho tàu, máy bay hoặc thủy thủ của hải quân Mỹ", thông cáo của Bộ Chỉ huy Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (USINDOPACOM) của Mỹ cho biết ngày 29/1.
Reuters dẫn lời một quan chức giấu tên của Mỹ cho biết các máy bay Trung Quốc không tiến vào khu vực cách nhóm tàu chiến Mỹ 250 hải lý.
Trước đó, Mỹ cho biết nhóm tác chiến tàu sân bay trên đã vào Biển Đông ngày 23/1 để tiến hành các hoạt động thường lệ nhằm "đảm bảo sự tự do của các vùng biển, xây dựng các quan hệ đối tác nhằm thúc đẩy an ninh hàng hải". Đợt triển khai này diễn ra 3 ngày sau khi tân Tổng thống Mỹ Joe Biden nhậm chức.
"Hoạt động của quân đội Trung Quốc là diễn biến mới nhất trong những động thái hung hăng và gây căng thẳng. Chúng phản ánh nỗ lực liên tiếp của Bắc Kinh nhằm sử dụng quân đội làm công cụ đe dọa, cưỡng ép những lực lượng hoạt động trong vùng biển và không phận quốc tế, bao gồm các láng giềng và những nước có tranh chấp chủ quyền với họ", Đại tá hải quân Mike Kafka, phát ngôn viên USPACOM tuyên bố.
Nhóm tác chiến tàu sân bay Theodore Roosevelt tiến vào Biển Đông ngày 23/1 để "thực hiện các chiến dịch thường kỳ", bao gồm hoạt động bay của máy bay cánh bằng và trực thăng, diễn tập tiến công trên biển, huấn luyện hiệp đồng giữa các đơn vị tàu mặt nước và không quân hải quân.
Mỹ thường xuyên cáo buộc Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông và cố gắng đe dọa các nước láng giềng châu Á vì có thể muốn một mình khai thác trữ lượng dầu khí dồi dào trong khu vực.
Đức Minh (nguoiduatin.vn)