Mỹ làm nóng chiến dịch loại bỏ linh kiện Trung Quốc

07/08/2017 10:32:00

Để giảm bớt những lo ngại về an ninh, Mỹ quyết thực hiện chiến dịch loại bỏ linh kiện có nguồn gốc Trung Quốc trong việc sản xuất vũ khí.

Để giảm bớt những lo ngại về an ninh, Mỹ quyết thực hiện chiến dịch loại bỏ linh kiện có nguồn gốc Trung Quốc trong việc sản xuất vũ khí.

Theo Sputnik, Quân đội Mỹ ngừng sử dụng thiết bị của công ty DJI Trung Quốc vì sợ chúng có thể tuột tầm kiểm soát trong trường hợp bị tấn công không gian mạng, - theo cổng thông tin sUAS News.

"Do những báo cáo nói sản phẩm DJI dễ bị tấn công mạng, quân đội Mỹ quyết định ngừng sử dụng bất kỳ sản phẩm của DJI", theo tài liệu lưu hành nội bộ mà các nhà báo được tiếp cận. Quyết định được thực hiện trên cơ sở 300 thông báo trục trặc trong thiết bị của DJI và báo cáo phân tích từ chuyên gia kỹ thuật Lầu Năm Góc.

Nguồn tin quân sự Mỹ cho biết, đây là bước đầu tiên để nước này giảm lệ thuộc vào phương tiện và linh kiện có nguồn gốc Trung Quốc trong việc sản xuất vũ khí và phương tiện quân sự.

Theo Elizabeth Lim, nhà nghiên cứu của Mergermarket (công ty chuyên phân tích tài chính doanh nghiệp, hoạt động toàn cầu), việc dừng sử dụng thiết bị của DJI chỉ là bước đầu tiên của Mỹ. Do lo ngại an ninh bị xâm phạm, Mỹ sẽ cấm doanh nghiệp quốc doanh của Trung Quốc thâu tóm các công ty Mỹ, đăc biệt có liên quan đến lĩnh vực quốc phòng.

My lam nong chien dich loai bo linh kien Trung Quoc 

Tiêm kích F-35 từng trang bi linh kiện Trung Quốc.

Mới đây, công ty điện tử Trung Quốc Sanan Optoelectronics đã bỏ ra số tiền lên tới 259 triệu USD để mua công ty bán dẫn Mỹ GCS Holdings. Nhưng thương vụ này bất thành sau khi Ủy ban Đầu tư nước ngoài tại Mỹ (CFIUS) rà soát việc mua bán.

CFIUS thậm chí phản đối các thương vụ xuyên biên giới giữa Trung Quốc và châu Âu, như quỹ đầu tư Trung Quốc Fujian Grand Chip bỏ ra 547 triệu USD để thâu tóm hãng bán dẫn Đức Aixtron.

Chính quyền Mỹ dưới thời Tổng thống Obama từng cấm quỹ đầu tư Trung Quốc Fujian Grand Chip (chính phủ Trung Quốc có cổ phần) mua nhà sản xuất chip vì lo ngại vấn đề an ninh quốc gia. Aixtron phát triển công nghệ có thể có ứng dụng quân sự và trong số khách hàng của hãng có nhà thầu quốc phòng Mỹ Northrup Grumman.

"Dưới thời của Tổng thống Donald Trump cứng rắn, những hành động như vậy có thể gia tăng, dù mức độ cụ thể vẫn chưa rõ ràng, vì ông ấy và nội các mới không dày dạn kinh nghiệm chính trường", bà Lim nói.

Ủy ban Rà soát an ninh kinh tế Mỹ-Trung cho biết, Washington phải hạn chế đầu tư Trung Quốc, khi sự đầu tư này khiến an ninh quốc gia và kinh tế Mỹ phải đối mặt rủi ro.

Mergermarket cho biết, hiện nay một số doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư vào Mỹ theo chỉ đạo của Bắc Kinh, nhằm mục đích làm ảnh hưởng đến công nghiệp quốc phòng và an ninh Mỹ, đồng thời nâng cao năng lực của vũ khí Trung Quốc.

Ngoài doanh nghiệp Trung Quốc, ngay cả các quỹ đầu tư Mỹ có mối liên hệ với Trung Quốc cũng nỗ lực mua các công ty Mỹ hoạt động trong lĩnh vực nhạy cảm.

Trường hợp của quỹ Canyon Bridge muốn bỏ ra 1,3 tỷ USD để mua Lattice – công ty Mỹ chuyên sản xuất sản phẩm bán dẫn cấp độ quân sự. Đặc biệt, quỹ này có mối liên hệ với chính phủ Trung Quốc và chương trình vũ trụ của Bắc Kinh.

Chưa thể dứt điểm

Dù linh kiện Trung Quốc trong vũ khí Mỹ đã được chính Lầu Năm Góc thừa nhận, tuy nhiên để giải quyết vấn đề này với Tổng thống Trump không phải là vấn đề đơn giản.

Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết, sau khi phát hiện các linh kiện do Trung Quốc chế tạo trong máy bay chiến đấu F-35, một cuộc điều tra do Lầu Năm Góc tiến hành đã phát hiện nhiều linh kiện của Trung Quốc có trong các loại vũ khí lớn khác của Mỹ, trong đó có máy bay ném bom B-1B của tập đoàn Boeing và máy bay chiến đấu F-16 của Lockheed Martin.

Theo một quan chức quốc phòng cao cấp của Mỹ, nguyên liệu Titan được khai thác ở Trung Quốc cũng có thể đã được sử dụng để chế tạo các bộ phận của loại tên lửa đánh chặn SM-3 IIA mới đang được công ty Raytheon và Nhật Bản hợp tác phát triển.

Ông cho rằng, các vụ việc này làm dấy lên những quan ngại mới về việc kiểm soát lỏng lẻo của các nhà thầu Mỹ. Hồi năm 2012, Mỹ còn phát hiện hàng loạt linh kiện Trung Quốc có trong những sản phảm hàng đầu của ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ.

Theo Ủy ban quân lực thượng viện Mỹ, trong cuộc điều tra kéo dài do chủ tịch ủy ban, thượng nghị sĩ Dân chủ Carl Levin, và thượng nghị sĩ Cộng hòa John McCain khởi xướng, các chuyên gia phát hiện 1.800 vụ việc liên quan tới linh kiện giả; trong đó có linh kiện của các loại máy bay vận tải hạng nặng của không quân Mỹ, các trực thăng dùng trong các chiến dịch quân sự đặc biệt và máy bay do thám của hải quân.

Số hàng giả trên bao gồm các linh kiện trong các màng lọc giao thoa điện từ (EIF) chuyên sử dụng trong các thiết bị tác chiến ban đêm và vận hành các tên lửa trên trực thăng SH-60B của hải quân Mỹ.

Ngoài ra, chúng còn bị phát hiện trong các con chip của hệ thống hiển thị trên các máy bay vận tải quân sự hạng nặng như C-17 Globemaster III và C-130J, các module phát hiện băng trên máy bay P-8A Poseidon, máy bay Boeing 737 cải tiến có khả năng "săn" tàu ngầm và tàu chiến của Hải quân Mỹ.

Theo nữ phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Maureen Schumann, Lầu Năm Góc đã tiến hành điều tra những vụ việc này trong năm 2012- 2013, và đã cấp các giấy miễn trừ sau khi kết luận rằng những nguyên liệu từ Trung Quốc này không gây rủi ro cho an ninh của Mỹ.

Bà Schumann cho biết, giám đốc bộ phận mua sắm vũ khí của Lầu Năm Góc Frank Kendall đã ban hành 5 giấy miễn trừ như vậy sau khi luật pháp Mỹ đưa thêm các kim loại đặc biệt, bao gồm cả các bộ nam châm hiệu suất cao vào trong danh mục những vật liệu bị cấm.

Việc cho phép sử dụng nguyên liệu từ Trung Quốc đã ảnh hưởng đến một hệ thống radar do Northrop Grumman chế tạo cho máy bay chiến đấu F-35, có sử dụng một số nam châm như vậy.

Hồi tháng 1, hãng Reuters cho rằng Lầu Năm Góc đã cho phép Lockheed sử dụng các nam châm của Trung Quốc để duy trì tiến độ của chương trình máy bay F-35 trị giá 392 tỷ USD, ngay cả khi các quan chức Mỹ bày tỏ lo ngại về hoạt động gián điệp và việc xây dựng sức mạnh quân đội của Trung Quốc.

Mỹ cho phép sử dụng linh kiện Trung Quốc đối với máy bay chiến đấu F-35 bao gồm một loạt linh kiện, trong đó có những bộ nam châm giá 2 USD được sử dụng trong những hệ thống radar trên 115 chiếc máy bay chiến đấu F-35.

Những nam châm được chế tạo từ kho nguyên liệu thô của Trung Quốc cũng được phép sử dụng trên các máy bay chiến đấu F-16 và máy bay ném bom B-1B. Ông Frank Kendall cho biết hồi tháng 1 rằng có thể phải chi mất hơn 10 triệu USD để nâng cấp và thay thế những bộ nam châm 2 USD trên những chiếc máy bay chiến đấu F-35 này.

Thông tấn Nga cho rằng, hiện chỉ có chương trình F-35 cơ bản đã giải quyết được số linh kiện kém chất lượng nói trên, trong khi đó phần lớn số vũ khí khác dùng thiết bị từ Trung Quốc hiện Mỹ vẫn chưa thể giải quyết được triệt để.

Theo Đan Nguyên (Đất Việt)