Giới phân tích đánh giá mục tiêu của Washington và Moscow ở Syria giờ đây đã quá khác biệt để có thể quay trở lại mối quan hệ ngoại giao như trước.
Quan hệ Nga-Mỹ sẽ không còn khả năng trở lại như xưa, ít nhất là trong thời gian tới. |
"Không có sự thống nhất ở Washington về thỏa thuận ngừng bắn với Moscow. Bộ Ngoại giao Mỹ sử dụng một phương thức tiếp cận, trong khi đó Lầu Năm Góc lại sử dụng cách thức khác. Quân đội của họ thực sự không muốn làm việc với các đối tác Nga, do không có sự tin tưởng nhất định", Kortunov viết.
Ông nhấn mạnh rằng trong thời điểm ông Barack Obama đang rục rịch rời Phòng Bầu dục, những mâu thuẫn giữa Nga và Mỹ đã trở nên rõ ràng hơn.
Hơn nữa, Mỹ đã thất bại trong việc tách cái gọi là "phe đối lập ôn hòa" ra khỏi lực lượng Hồi giáo cực đoan ở Syria.
Các chuyên gia nhận định rằng, trên thực tế, các thỏa thuận ngừng bắn đã sớm tan vỡ ngay từ khi bản ký kết còn chưa ráo mực, do một phe nhóm được Mỹ hậu thuẫn đã từ chối thực hiện các điều khoản.
Về phần mình, Nga cũng đã thuyết phục Damascus và Iran ngừng các hành động quân sự.
"Sự sụp đổ thỏa thuận Nga-Mỹ không có nghĩa mọi thứ sẽ khác đi. Để lựa chọn giữa Nga và IS, Washinton sẽ vẫn tiếp tục chọn khủng bố ở Syria", Kortunov nhấn mạnh.
Chuyên gia này lưu ý rằng IS không đặt ra một mối đe dọa hiện hữu với Washington, do vậy Lầu Năm Góc không có nhu cầu trong việc thiết lập các mối quan hệ gần gũi hơn với Nga để giải quyết các mối đe dọa khủng bố.
Ngược lại lực lượng quân chính phủ ở Aleppo được cho là tiếp tục gây lo ngại nghiêm trọng trong việc thiết lập an ninh quốc gia của Mỹ.
Một quan chức cấp cao Mỹ giấu tên từng tiết lộ với tờ Washington Post rằng: "CIA và Tham Mưu đã nói rằng sự sụp đổ của Aleppo sẽ làm suy yếu mục tiêu chống khủng bố của Mỹ tại Syria".
Chuyên gia Nga đánh giá, trong thời gian sắp tới sẽ không có chuyện Washington và Moscow sẽ gia hạn hợp tác song phương về Syria bởi thời điểm chín muồi nhất dành cho cả hai đã bị bỏ lỡ.
"Mọi việc sẽ phụ thuộc nhiều vào kết quả của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ", ông lưu ý thêm, quan điểm của bà Hillary Clinton trong vấn đề xung đột ở Trung Đông là khác biệt nhiều so với Donald Trump.
Theo góc nhìn của mình, Nhà báo Howard LaFranchi từ Christian Science Monitor tin rằng sự sụp đổ ngoại giao ở Syria có thể buộc Washington phải tìm kiếm những lựa chọn mới.
"Mỹ và Nga hiện nay đang rất xa nhau ở Syria. Trong khi Washington có thể cần phải cứng rắn hơn nếu muốn nâng tầm ảnh hưởng đến các sự kiện ở Aleppo", tuy nhiên, LaFranchi nhấn mạnh rằng "ông Obama đã nhiều lần cho biết sẽ không tăng cường lực lượng Mỹ tham chiến ở Trung Đông. Và ngay cả khi ông bất chợt muốn thay đổi quyết định của mình thì thời gian còn lại là không đủ".
Trích dẫn lời của Paul Saunders, giám đốc điều hành của Trung tâm vì quyền lợi quốc gia ở Washington, LaFranchi lưu ý rằng cả ông Obama, cũng như chính quyền Mỹ và Quốc hội không phải không muốn quan tâm đến việc mở rộng khả năng quân sự tại Syria.
Mà theo đó, mục tiêu của Mỹ và Nga ở Syria "chỉ đơn giản là quá khác nhau để cho phép cả hai định hướng đối ngoại trở lại".
"Ngoại giao đòi hỏi một mức độ nhất định của niềm tin, tuy nhiên điều này đã tan vỡ trong ở Aleppo," LaFranchi cho biết.
Trong một góc nhìn khác, nhà báo Mỹ bình luận rằng, chính quyền Obama đã không còn dùng "cà rốt" trong phương pháp tiếp cận "cây gậy và củ cà rốt đối với Nga".
Đồng tình với điều này chuyên gia Andrey Kortunov tin rằng ảnh hưởng của Washington tại khu vực Trung Đông sẽ tiếp tục suy yếu dần nói chung.
Theo giới phân tích nhận định, người Mỹ đã "dần thấm mệt" cũng như cảm thấy sự thất bại tại khu vực này khi phải giao phó công việc cho những đồng minh không đáng tin cậy.
Ngoài ra còn có ý kiến cho rằng, Mỹ không mặn mà với việc tăng cường tầm ảnh hưởng của mình tại các khu vực giàu tài nguyên do gần đây nước này đã có được nguồn năng lượng độc lập.
Ngược lại, Nga có thể sẽ gia tăng ảnh hưởng của mình tại Trung Đông bằng cách tăng cường quan hệ với Iran, Iraq, Thổ Nhĩ Kỳ, Israel, và có lẽ là cả Vịnh Ba Tư, các chuyên gia đánh giá.
Theo Quốc Vinh (Nguoiduatin.vn)