Theo Bộ Tư pháp Mỹ, trong số 9 người bị khởi tố có một kiểm sát viên Trung Quốc bị cáo buộc đến Mỹ để chỉ đạo chiến dịch quấy rối nhằm vào một công dân Mỹ cùng gia đình ông này, cũng như ra lệnh tiêu hủy các bằng chứng về những hành động đó.
Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) đưa tin, bản dự thảo cáo trạng được đệ trình tòa án liên bang Mỹ trong tuần này nhằm vào nhóm 9 cá nhân bị cho là tham gia "Chiến dịch Săn cáo" - một phần trong chiến dịch chống tham nhũng mạnh mẽ của Bắc Kinh, nhằm truy bắt và đưa các quan chức trốn ra nước ngoài trở về đối mặt với luật pháp Trung Quốc.
Mỹ khởi tố quan chức kiểm sát Trung Quốc dẫn dắt chiến dịch Săn cáo
Kiểm sát viên Trung Quốc bị Mỹ khởi tố là Tu Lan, quan chức thuộc Viện kiểm sát nhân dân quận Hán Dương, thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc. Bà Tu bị buộc tội hỗ trợ đưa cha của một mục tiêu ẩn danh tới Mỹ nhằm "gửi lời đe dọa" rằng thân nhân của người này ở Trung Quốc có thể bị tổn hại nếu ông ta không trở về thực thi thủ tục tố tụng trong nước.
Jacquelyn Kasulis, quyền công tố Quận Đông, New York - nơi vụ án được khởi tố - ngày 22/7 cho biết: "Theo cáo buộc, các bị cáo trong vai trò đặc vụ [của Trung Quốc] đã tiến hành một chiến dịch trái phép và bí mật để quấy rối và đe dọa các mục tiêu là cư dân Mỹ, nhằm buộc họ trở lại [Trung Quốc]."
Mục tiêu của các "đặc vụ Trung Quốc" - không nêu tên trong cáo trạng - được mô tả trong tài liệu là một cựu quan chức cấp thành phố ở Trung Quốc và đến Mỹ vào khoảng thời gian năm 2010.
Bộ Tư pháp Mỹ nói cựu quan chức này bị Bắc Kinh truy nã với tội danh "biển thủ, lạm quyền, nhận hối lộ", với khung hình phạt có thể lên đến tử hình theo luật pháp Trung Quốc. Vợ của người này cũng bị truy nã vì tội "nhận hối lộ", có khung hình đến chung thân.
Theo cáo trạng của Mỹ, các bị cáo có ý đồ thông qua cha của mục tiêu để "thuyết phục" người con về Trung Quốc. Người cha được yêu cầu nói dối giới chức Mỹ về mục đích chuyến đi. Các thành viên "săn cáo" của Trung Quốc cũng thuê một thám tử tư ở Mỹ là Michael McMahon - cũng là bị cáo trong vụ khởi tố - để thăm dò mục tiêu.
Bà Tu Lan được mô tả là đến Mỹ trước người cha của mục tiêu. Sau khi trở về Trung Quốc, bà này tiếp tục phát đi các mệnh lệnh đến nhóm "đặc vụ" tại Mỹ để thúc đẩy chiến dịch.
Trong danh sách khởi tố còn có Hu Ji, một quan chức Công an thành phố Vũ Hán.
Mục tiêu sau đó không chịu về Trung Quốc, trong khi người cha được cho là tỏ ra gay gắt với những người giám sát trên chuyến bay rời nước Mỹ. Zhu Feng - một bị cáo khác - được bà Tu Lan yêu cầu "xóa toàn bộ nội dung trao đổi".
Bản cáo trạng nêu, vài tháng sau vụ việc trên, một số bị cáo tiếp tục tìm cách xâm nhập tư gia của "nạn nhân" ở New Jersey, "đập cửa" và cố gắng mở ra, đồng thời để lại thông điệp: "Nếu ông chịu trở về Đại lục ngồi tù 10 năm thì vợ và các con ông sẽ ổn thỏa. Vấn đề đến đây là kết thúc!"
Đòn giáng vào Trung Quốc ngay sát thời điểm nhạy cảm
Một trong số bị cáo đã bị khởi tố từ năm ngoái là công dân Mỹ đến từ Trung Quốc có tên Rong Jing. Rong nhận tội vào tháng 3/2021.
Một bị cáo khác được đưa vào trong dự thảo cáo trạng tuần này là công dân Trung Quốc Zhai Yongqiang - theo Bộ Tư pháp Mỹ. Zhai bị cáo buộc hỗ trợ và dẫn dắt nỗ lực tìm kiếm con gái lớn của "mục tiêu".
Theo tài liệu của tòa án, một bị cáo được cho là chủ mưu đã gửi "tin nhắn không mong muốn và xúc phạm" về mục tiêu, vợ và con gái của ông ta đến bạn bè trên Facebook của những người liên quan.
Các bị cáo trong cáo trạng mới nhất bị buộc tội hoạt động hoặc âm mưu hoạt động với tư cách là đặc vụ không đăng ký của Trung Quốc và theo dõi giữa các bang. Bộ Tư pháp Mỹ cho hay các bị cáo có thể đối mặt mức án nhiều năm tù nếu bị kết tội.
Hai trong số bị cáo vẫn đang tự do, bao gồm kiểm sát viên Tu Lan. Bà Tu còn bị cáo buộc tội cản trở công lý và có ý đồ cản trở công lý.
"Các quan chức thực thi pháp luật trên thế giới hành động theo một bộ quy tắc ứng xử chuyên nghiệp", quyền trợ lý Bộ trưởng Tư pháp Mỹ về An ninh quốc gia, ông Mark Lesko, nói. "Nhưng một kiểm sát viên và một sĩ quan cảnh sát [Trung Quốc] không chỉ chỉ đạo và tham gia một âm mưu phạm tội trên đất Mỹ, và còn có ý đồ che đậy chuyện đó, là một sự xúc phạm đối với công lý ở mức cao nhất."
Vào ngày 28/10/2020, Bộ Tư pháp Mỹ đã thông báo cáo buộc 8 người có liên quan tới Chiến dịch Săn cáo của Bắc Kinh. Năm người trong số này đã bị bắt tại Mỹ. Bà Tu Lan là bị cáo mới được "cập nhật" trong cáo trạng hồi tuần này.
Chiến dịch Săn cáo, triển khai từ năm 2015, được xem là giai đoạn mở rộng của cuộc chiến chống tham nhũng quyết liệt "đả hổ, diệt ruồi" mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát động sau khi ông trở thành lãnh đạo cao nhất nước này vào cuối năm 2012.
Chiến dịch Săn cáo nhắm đến những đối tượng tình nghi phạm tội kinh tế bỏ trốn ra nước ngoài, đảng viên và công chức nhà nước trốn ra nước ngoài, cùng những người liên quan đến các vụ án tham nhũng nhưng đã trốn khỏi đất nước.
Đáng chú ý, động thái Mỹ khởi tố một quan chức ngành kiểm sát Trung Quốc được thông báo chỉ 3 ngày trước khi Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman thực hiện chuyến công du đến Thiên Tân (25-26/7) và có cuộc tiếp xúc với Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị.
Đây là cuộc gặp cấp cao trực tiếp đầu tiên giữa Mỹ và Trung Quốc kể từ sau cuộc đối thoại ở Alaska hồi tháng 3.
Cuộc gặp lần này được mô tả là nhằm duy trì liên hệ song phương hơn là giải quyết các vấn đề thực chất, đồng thời cũng được kỳ vọng là bước đệm để mở đường cho các trao đổi Mỹ-Trung cấp cao hơn, hướng đến tổ chức một hội nghị thượng đỉnh giữa ông Tập với Tổng thống Mỹ Joe Biden.
Theo PV (Doanh Nghiệp & Tiếp Thị)