Mỹ khó xử vì chi phí khách sạn của Kim Jong-un

03/06/2018 08:33:56

Mỹ sẵn lòng trả chi phí khách sạn cho lãnh đạo Triều Tiên nhưng lo ngại điều này có thể khiến Bình Nhưỡng nghĩ họ bị Washington xúc phạm.

Mỹ khó xử vì chi phí khách sạn của Kim Jong-un
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in (phải) và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un xuất hiện sau cuộc gặp tại Khu Phi quân sự liên Triều (DMZ) hôm 26/5. Ảnh: South Korea Presidential Blue House.

Trên một hòn đảo nghỉ dưỡng ngoài khơi Singapore, những nhà tổ chức sự kiện Mỹ đang làm việc ngày đêm cùng các đối tác Triều Tiên để lên kế hoạch cho hội nghị thượng đỉnh nhằm đặt dấu chấm hết cho chương trình vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Một tuần sau khi tuyên bố hủy cuộc gặp với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm qua thông báo hội nghị dự kiến diễn ra ở Singapore vào ngày 12/6 sẽ được nối lại như thông tin ban đầu.

Tuy nhiên, vẫn còn một trở ngại về hậu cần chưa thể giải quyết, Washington Post dẫn lời hai nguồn tin am hiểu vấn đề cho hay. Ai sẽ là bên trả chi phí ăn ở của Kim Jong-un tại Singapore?

Khó xử

Chính quyền Triều Tiên mong muốn lãnh đạo Kim Jong-un lưu trú tại khách sạn Fullerton với mức giá 6.000 USD đối với loại phòng tổng thống sang trọng nhất. Mặt khác, Bình Nhưỡng cũng yêu cầu một quốc gia nước ngoài phải nhận trách nhiệm trả mọi chi phí.

Về vấn đề chi trả hóa đơn khách sạn, hai nguồn tin cho biết Mỹ hoàn toàn sẵn lòng rút hầu bao, song điều khiến họ phân vân là việc làm này có thể khiến Bình Nhưỡng nghĩ rằng Washington muốn xúc phạm mình. Kết quả, những nhà hoạch định Mỹ đang cân nhắc nhờ nước chủ nhà Singapore trả các chi phí của phái đoàn Triều Tiên.

"Đây là một ví dụ mạnh mẽ và đầy mỉa mai về việc Triều Tiên khăng khăng đòi hỏi phải được đối xử 'công bằng'", Scott Snyder, giáo sư về Triều Tiên tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Mỹ, bình luận.

Dù vậy, Triều Tiên từ trước tới nay vẫn nổi tiếng là bên dám đưa ra những yêu cầu về tiền bạc táo bạo.

Tại Thế vận hội Mùa đông PyeongChang 2018 hồi tháng hai, Hàn Quốc đã bỏ ra 2,6 triệu USD để chi trả chi phí đi lại, ăn ở của một đội cổ vũ, một đoàn biểu diễn nghệ thuật và các thành viên phái đoàn Triều Tiên tới tham dự sự kiện. Ủy ban Olympic Quốc tế cũng trả cho chi phí đi lại của 22 vận động viên Triều Tiên.

Năm 2014, khi giám đốc an ninh quốc gia Mỹ lúc bấy giờ James R. Clapper Jr. tới Triều Tiên để đón hai tù nhân Mỹ trở về nước, chủ nhà Triều Tiên đã tiếp đón ông bằng một "bữa ăn thinh soạn với 12 món". Tuy nhiên, cuối cùng, họ yêu cầu ông phải trả tiền cho bữa ăn, Clapper nhớ lại.

"Những nhận thức như vậy hình thành từ đầu những năm 2000 khi cái gọi là 'Chính sách Ánh dương' của Seoul được thực thi rộng rãi", Sung-Yoon Lee, chuyên gia về Triều Tiên tại Đại học Tufts, Mỹ, cho biết, đề cập tới chính sách tiếp cận với Triều Tiên do cố tổng thống Hàn Quốc Kim Dae-jung khởi xướng. "Triều Tiên đủ khả năng chế tạo vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) nhưng vẫn có thể nói rằng họ quá nghèo để chi trả cho các chuyến công du nước ngoài".

Mọi khoản chi đáp ứng chi phí sinh hoạt của Triều Tiên đều sẽ vi phạm các lệnh trừng phạt từ Bộ Tài chính Mỹ, Elizabeth Rosenberg, cựu quan chức bộ này, cho hay. Những giao dịch như vậy sẽ đòi hỏi Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài phải "đình chỉ các biện pháp trừng phạt" bằng văn bản.

Mỹ sẽ phải yêu cầu hàng loạt văn bản như vậy từ Liên Hợp Quốc và Bộ Tài chính nếu muốn trả những khoản tiền liên quan tới chi phí đi lại của Triều Tiên, song quy trình thực hiện rất phức tạp và mất thời gian.

"Có những cơ chế hợp pháp nhằm tạo ra các ngoại lệ phụ thuộc vào hoàn cảnh, nhưng nó rất dễ vấp phải sự phản đối từ công chúng và bị chỉ trích về mặt chính trị, đồng thời gửi đi thông điệp không đúng tới Triều Tiên", Duyeon Kim, chuyên gia tại Diễn đàn Tương lai Bán đảo Triều Tiên, trụ sở ở Seoul, nhận định.

Chi phí khách sạn của Triều Tiên không phải là trở ngại bất thường duy nhất trong việc tổ chức hội nghị thượng đỉnh. Máy bay chở lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, được chế tạo từ thời Liên Xô, có thể sẽ phải đáp tại Trung Quốc để tiếp nhiên liệu bởi nó nhiều khả năng không thể bay một mạch qua quãng đường hơn 4.800 km. Vấn đề trên, nếu xảy ra, cũng cần một câu chuyện giải thích hợp lý nhằm tránh gây xấu hổ cho Bình Nhưỡng. Ngoài ra, Kim Jong-un có thể thực hiện hành trình bằng máy bay do quốc gia khác cấp.

Dù vậy, vấn đề quan trọng nhất hiện nay vẫn là quyết định địa điểm để hai lãnh đạo gặp mặt. Hai bên được cho là đã chọn khách sạn Capella trên đảo nghỉ dưỡng Sentosa, các nguồn tin am hiểu cuộc thảo luận tiết lộ.

Mỹ khó xử vì chi phí khách sạn của Kim Jong-un - 1
Các phóng viên túc trực bên ngoài ngoài khách sạn Fullerton, Singapore, hôm 31/5.

Hôm 27/5, một phóng viên Washington Post đã nhìn thấy các đội công trình dựng lều cùng những trang thiết bị khác, dường như nhằm chuẩn bị cho một sự kiện lớn gần khách sạn Capella. Phóng viên này bị yêu cầu rời khỏi khu vực sau khi tiếp xúc với đoàn tiền trạm Mỹ đang lưu trú tại khu nghỉ dưỡng. Việc khách sạn nằm trên một hòn đảo tách biệt khiến các quan chức an ninh Mỹ và Triều Tiên quan tâm.

Trong thời gian ở Singapore, Tổng thống Mỹ Donald Trump dự kiến lưu trú tại khách sạn Shangri-La, nơi đã quen với việc tổ chức các sự kiên đòi hòi yêu cầu an ninh cao.

Giới chức Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao Mỹ đến giờ vẫn từ chối bình luận về công tác chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh.

Rexon Ryu, cựu quan chức Nhà Trắng từng xử lý vấn đề hạt nhân Triều Tiên, cho rằng Bình Nhưỡng cũng đặc biệt quan tâm tới việc giữ bí mật các cuộc đàm phán liên quan đến hội nghị.

"An ninh, chứ không phải bất kỳ điều gì khác, có lẽ là mối quan tâm hàng đầu đối với Kim Jong-un", Ryu nói. "Tôi nghĩ đối với các quan chức bên phía Triều Tiên, nó còn quan trọng hơn cả nội dung đàm phán".

Theo VnExpress.net