Các nhà khí tượng học theo dõi bão Milton cho biết họ chưa bao giờ chứng kiến lượng thông tin sai lệch lớn tới vậy khi hai cơn bão liên tiếp tấn công Mỹ chỉ trong khoảng 2 tuần, theo Guardian.
Bà Katie Nickolaou, nhà khí tượng học tại Michigan, và các đồng nghiệp là những "nạn nhân" lớn nhất của những thuyết âm mưu này.
"Tôi nghe một số người nói tôi tạo ra và chỉ đạo cơn bão, kiểm soát thời tiết. Tôi phải đi đính chính rằng một cơn bão có năng lượng bằng 10.000 quả bom hạt nhân, nên con người không thể làm được như vậy. Lời lẽ của họ cũng rất bạo lực, đặc biệt có người nói ‘phải giết chết những người tạo ra bão Milton’" - bà chia sẻ.
Một bài đăng nhắm thẳng vào bà Nickolaou có nội dung: "Hãy bịt đường thở của những kẻ tạo ra bão và tất cả ai liên quan". Bà đáp lại: "Giết các nhà khí tượng học không ngăn được bão. Không thể tin nổi tôi lại phải viết ra những dòng này".
"Nhiều người chửi rủa tôi bằng đủ lời lẽ tục tĩu, mắng tôi hãy ngồi im và đừng làm gì, họ nghĩ chỉ cần tháo rời radar Doppler là ổn" - bà Nickolaou nói - "Chúng tôi tốn rất nhiều công sức và thời gian để giải quyết đống tin giả này. Thật sự quá mệt mỏi".
Theo người đứng đầu Cơ quan Quản lý Tình trạng khẩn cấp liên bang Mỹ (Fema), việc ứng viên đảng Cộng hòa Donald Trump cùng những người ủng hộ chia sẻ thông tin sai lệch đang cản trở tiến trình cứu hộ hậu bão.
Ví dụ, ông Trump từng tuyên bố Fema "đã cạn tiền mặt cho những người sống sót sau cơn bão vì nguồn tiền này được trao cho những người nhập cư bất hợp pháp".
Các mối đe dọa bạo lực cũng trở nên phổ biến trên TikTok, Facebook và X, nói những nhân viên Fema "đáng bị đánh đập, bắt giữ, bắn hoặc treo cổ ngay tại chỗ".
Đúng là con người là một trong những tác nhân khiến bão ngày càng mạnh và có sức tàn phá khủng khiếp nhưng không ai có thể tạo ra và điều khiển từng cơn bão. Ngoài ra, tại Mỹ, quỹ cứu trợ thiên tai của Fema tách biệt và không bị ảnh hưởng bởi số tiền cung cấp hỗ trợ người di cư.
Tuy nhiên, theo nhà khoa học Chris Gloninger, những thuyết âm mưu từ Helene và Milton chỉ là một phần trong xu hướng khi công chúng đang ngày càng tin vào những nhân vật cực đoan trên mạng thay vì các chuyên gia.
Ông Gloninger lo ngại rằng các nhà khí tượng học "sắp kiệt sức" trong khi "chỉ đang cố gắng bảo vệ tính mạng và tài sản người dân trước thảm họa thời tiết khắc nghiệt".
Theo Phương Linh (Nld.com.vn)