Nhóm tàu này - còn có thêm tàu tuần tiễu tên lửa dẫn đường USS Lake Champlain và các tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Wayne E. Meyer và USS Michael Murphy - vừa rời Philippines hôm 20-2 sau chuyến thăm 4 ngày.
Báo The Washington Times cho biết tàu sân bay USS Carl Vinson sẽ nối lại chiến dịch tự do hàng hải gần nơi Trung Quốc đang quân sự hóa phi pháp một số hòn đảo tại biển Đông. Ngoài ra, tàu dự kiến đến Đà Nẵng trong tháng 3 tới. Chuẩn đô đốc John Fuller, chỉ huy nhóm tàu tác chiến, tuyên bố sự hiện diện của Mỹ ở biển Đông rất có ý nghĩa.
"Những hoạt động của Vinson ở biển Đông nhằm thúc đẩy tự do hàng hải và hợp tác với các đối tác, đồng minh, từ đó gửi đến Trung Quốc thông điệp rằng vùng biển này không phải là của họ" - một quan chức hải quân Mỹ nói rõ hơn.
Cho đến nay, Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Trung Quốc vẫn chưa lên tiếng chỉ trích trực tiếp sự hiện diện của tàu sân bay Mỹ ở biển Đông. Nhà bình luận Bill Gertz cho rằng Bắc Kinh có vẻ đang kiềm chế cho đến sau khi tàu sân bay Vinson kết thúc sứ mệnh tự do hàng hải. Dù vậy, tờ Global Times đã dẫn lời một chuyên gia quân sự Trung Quốc lên án việc triển khai này.
Trước khi tàu sân bay Vinson đến biển Đông, một sự cố liên quan đến tàu chiến Mỹ và Trung Quốc đã xảy ra tại khu vực này hồi tháng trước. Bộ Quốc phòng Trung Quốc khẳng định một tàu chiến nước này đã buộc tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Hopper của Mỹ rời khỏi biển Đông. Tuy nhiên, Lầu Năm Góc phủ nhận thông tin này.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis hồi tuần trước cho biết hành động quân sự hóa của Trung Quốc ở biển Đông là một phần nguyên nhân khiến ông thay đổi chiến lược quốc phòng của Mỹ, từ chống khủng bố sang đối phó với Trung Quốc và Nga.
Theo Lục San (Nld.com.vn)