Bắt đầu từ Pháp
Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) nói rằng cuộc điều tra chiếu theo Điều 301 của họ nhận thấy rằng thuế quan mà Pháp áp dụng “không phù hợp với các nguyên tắc của chính sách thuế quốc tế, và tạo gánh nặng bất thường đối với các công ty Mỹ bị ảnh hưởng”, trong đó có Google, Facebook, Apple và Amazon.
Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer cho hay Chính phủ Mỹ cũng đang tìm cách mở thêm một cuộc điều tra tương tự nhằm vào thuế dịch vụ số của Áo, Italy và Thổ Nhĩ Kỳ.
“USTR đang tập trung vào việc chống lại chủ nghĩa bảo hộ đang tăng ở các nước thành viên EU, trong đó nhằm vào các công ty Mỹ một cách không công bằng” - ông Lighthizer nói. Tuyên bố của ông tuy nhiên không đề cập tới thuế dịch vụ số đang được đề xuất ở Canada hay ở Anh.
Cơ quan thương mại của Mỹ nói rằng họ sẽ thu thập ý kiến dư luận từ nay cho đến hết ngày 14/1/2020 về danh sách áp thuế mà họ đề xuất, trong đó có cả lựa chọn áp đặt hạn chế hoặc tính phí đối với các dịch vụ của Pháp. Một phiên điều trần về vấn đề này dự kiến được tổ chức vào ngày 7/1/2020.
Thời điểm hiện tại, Mỹ chưa công bố chính xác thời điểm hàng rào thuế 100% với hàng hóa Pháp có hiệu lực.
Đề xuất áp thuế của Mỹ nhằm vào các sản phẩm từng được miễn khỏi danh sách áp thuế 25% mà Mỹ áp đặt với EU liên quan tới việc khối này trợ giá Airbus. Danh sách mới này bao gồm các loại rượu, túi xách, đồ trang điểm - có thể ảnh hưởng nặng nề tới các tập đoàn chuyên sản xuất hàng xa xỉ của Pháp như LVMH hay nhà sản xuất mỹ phẩm L’Oreal.
Pho mát của hãng Gruyere - từng được miễn khỏi danh sách bị đánh thuế của Mỹ hồi tháng 10 vừa qua - cũng bị liệt vào danh sách mới các sản phẩm của Pháp bị áp thuế 100%, cùng nhiều nhãn hiệu pho mát khác.
Tranh cãi về thuế dịch vụ số
Việc USTR công bố danh sách áp thuế mới nhận được sự ủng hộ của giới lập pháp cũng như các tổ chức công nghệ của Mỹ, những người từ lâu đã phàn nàn về chính sách thuế không công bằng mà một số nước EU áp dụng nhằm vào các công ty Mỹ.
“Thuế dịch vụ số của Pháp là thứ vô lý, đại diện cho chủ nghĩa bảo hộ và mang tính chất phân biệt”-Thượng nghị sĩ Charles Grassley và Ron Wyden, đến từ đảng Cộng hòa và Dân chủ, nói trong một tuyên bố chung trước Ủy ban Tài chính Thượng viện.
Hiện Đại sứ quán Pháp và phái đoàn EU tại Washington chưa đưa ra bình luận gì về sự việc. Tuy nhiên, trước khi USTR công bố động thái mới, một quan chức Pháp nói rằng nước này sẽ phản kháng lại báo cáo mà cơ quan trên đưa ra đồng thời nhắc lại rằng thuế dịch vụ số của Pháp không đặc biệt nhằm vào các công ty công nghệ Mỹ.
“Chúng tôi sẽ không từ bỏ việc đánh thuế” các công ty cung cấp dịch vụ số - vị quan chức cho hay.
Pháp hiện đang áp dụng mức thuế 3% doanh thu từ các dịch vụ số của các công ty có trên 25 triệu Euro (27,68 triệu USD) doanh thu tại Pháp và 750 triệu Euro (830 triệu USD) trên toàn thế giới.
Động thái bất ngờ được đưa ra giữa lúc Tổng thống Trump đang tìm cách giải quyết các tranh chấp thương mại khác trước cuộc bầu cử Tổng thống năm 2020. Ông Trump trước đó tuyên bố trên Twitter rằng ông sẽ đánh thuế nhập khẩu sau khi áp dụng hạn ngạch đối với thép và nhôm từ Brazil và Argentina vào đầu năm 2018.
Theo Khánh Duy (Đại Đoàn Kết)