Không quân Mỹ vừa tiết lộ thống tin gây bất ngờ, trên những dòng tiêm kích thuộc thế hệ 4 như F-15, F-16 và F/A-18 của lực lượng này đều sẽ được trang bị vũ khí laser công suất cao và bản hợp đồng này đã được giao cho Tập đoàn Lockheed thực hiện.
Theo thông tin được công khai, bản hợp đồng này có tổng giá trị khoảng 26 triệu USD nhằm tại ra hệ thống vũ khí laser công suất cao nhưng với kích thước được thu nhỏ đáng kể so với hiện nay.
Nội dung bản hợp đồng ghi rõ, nhà sản xuất phải đưa ra được phiên bản thử nghiệm đầu tiên trước năm 2021.
Đại diện của Lockheed cho biết, thực chất, bản hợp đồng này nằm trong chương trình có tên là hệ thống phòng vệ bằng laser năng lượng cao (SHiELD) nhằm giúp các máy bay chiến đấu thế hệ 4 có thể tự vệ trước các hệ thống phòng không tiên tiến đang ngày càng hiện đại của các đối thủ.
Chuyên gia cấp cao của Lockheed thừa nhận: "Đây là một thách thức lớn với chúng tôi khi tạo ra một máy phát laser nhỏ hơn nhưng lại có công suất vượt trội để có thể gắn vào máy bay chiến đấu. Nhưng điều này cũng cho thấy sự phát triển của công nghệ này".
Kế hoạch và thời điểm ra mắt vũ khí laser trên chiến đấu cơ thế hệ 4 đã được công khai và điều này cho thấy Mỹ đã vượt trước Nga ít nhất 2 thế hệ bởi theo tuyên bố của Moscow, trên dòng chiến đấu cơ thế hệ 6 đang nghiên cứu sẽ được trang bị vũ khí laser.
Thông tin này được Bộ trưởng Công thương Nga Denis Manturov cho biết, các kỹ sư hàng không của nước này đã hoàn thiện nền tảng khoa học kỹ thuật cho các thiết bị trên khoang, hệ thống điện năng cũng như hệ thống kiểm soát vũ khí của dòng chiến đấu cơ thế hệ 6.
Không chỉ chậm chân trong phát triển vũ khí laser trên chiến đấu cơ mà trên dòng tiêm kích tàng hình duy nhất Nga đang thử nghiệm cũng bị Mỹ chê thậm tệ.
Tạp chí Business Insider của Mỹ vừa dẫn phân tích của loạt chuyên gia phân tích về sức mạnh của tiêm kích tàng hình Nga. Cụ thế, máy bay Su-57 của Nga khó có thể được coi là tiêm kích thế hệ 5 khi chúng được người Nga trang bị cho cặp động cơ của tiêm kích thế hệ 4++ Su-35S.
Động cơ này không đủ sức để giúp Su-57 tăng lên vận tốc siêu thanh ở chế độ bay thường. Một loại động cơ khác đang được nghiên cứu để trang bị cho Su-57 nhưng nó sẽ chỉ sẵn sàng cho sử dụng sau năm 2025. Vì vậy trong thời điểm hiện tại, Su-57 chỉ tương đương tiêm kích Su-35.
Không chỉ thua kém về động cơ, tiêm kích Su-57 vẫn chưa thể hiện uy lực vượt trội hẳn so với tiêm kích thế hệ 4++ như Su-35S, điểm mạnh duy nhất của nó nằm ở khả năng tàng hình nhưng lại không đủ mạnh. Và đây chính là nguyên nhân khiến Không quân Nga mới chỉ đặt mua 12 chiếc Su-57 trong khi chuẩn bị bán tới trên 100 chiếc cho Ấn Độ.
Không chỉ yếu kém về khả năng cơ động, theo Bussiness Insider, dù Su-57 được Nga quảng bá có khả năng tàng hình hàng đầu thế giới nhưng tính năng thật sự của chiến đấu cơ này hiện vẫn là một dấu hỏi lớn Nga chưa thể chứng minh.
Theo Tuấn Vũ (Đất Việt)