Với tỉ lệ 232 phiếu chống-198 phiếu thuận, Hạ viện Mỹ phản đối dự luật gia hạn ngân sách chi tiêu của chính phủ thêm 30 ngày nhằm ngăn nguy cơ đóng cửa chính phủ.
Dự luật này bao gồm các điều khoản cắt giảm chi tiêu chính phủ, hạn chế nhập cư và những ưu tiên của Đảng Cộng hòa vốn có rất ít cơ hội được Thượng viện do Đảng Dân chủ kiểm soát thông qua.
Kết quả bỏ phiếu cho thấy Đảng Cộng hòa tại Hạ viện Mỹ cũng không có một chiến lược rõ ràng nhằm ngăn chặn nguy cơ đóng cửa chính phủ.
Nếu dự luật cấp ngân sách tạm thời cho chính phủ không được thông qua trước 0 giờ ngày 1-10 (giờ địa phương), các công viên quốc gia sẽ đóng cửa, việc trả lương cho 4 triệu nhân viên liên bang bị gián đoạn và mọi thứ đều bị cản trở, từ giám sát tài chính đến nghiên cứu khoa học.
Hạ viện dự kiến bỏ phiếu tiếp trong ngày 30-9.
Mỹ đối diện rất gần nguy cơ đóng cửa chính phủ
Trong khi đó, hiện vẫn chưa rõ liệu Thượng viện có hành động kịp thời hay không. Theo hãng tin Reuters, Thượng viện dự kiến thông qua dự thảo của riêng mình về cấp ngân sách cho chính phủ đến ngày 17-11.
Tuy nhiên, những trở ngại về thủ tục có thể khiến phiên bỏ phiếu cuối cùng bị trì hoãn đến ngày 2-10.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho rằng việc chính phủ đóng cửa sẽ "làm suy yếu" sự tiến bộ kinh tế của Mỹ khi trì hoãn các chương trình dành cho doanh nghiệp nhỏ và trẻ em, cũng như có thể cản trở những cải tiến lớn về cơ sở hạ tầng.
Tổng thống Joe Biden cũng cảnh báo rằng việc đóng cửa chính phủ có thể gây thiệt hại nặng nề cho các lực lượng vũ trang.
Nếu dự thảo ngân sách không được thông qua thì đây sẽ là lần đóng cửa thứ 4 của chính phủ Mỹ trong một thập kỷ và chỉ 4 tháng sau khi xảy ra tình trạng bế tắc tương tự khiến chính phủ liên bang trên bờ vực vỡ nợ với khoản nợ công 31.000 tỉ USD.
Việc Mỹ đối mặt nguy cơ đóng cửa liên tục làm dấy lên lo ngại ở Phố Wall, nơi cơ quan xếp hạng tín dụng Moody's cảnh báo điều đó có thể gây tổn hại đến uy tín tín dụng của Mỹ.
Theo Xuân Mai (Nld.com.vn)