Nhà phân tích quân sự uy tín của Mỹ cho rằng, dự án tiêm kích tàng hình F-35 đang lặp lại sai lầm của máy bay F-105 từng thất bại ở chiến trường Việt Nam.
Tạp chí National Interest dẫn bài phân tích của nhà phân tích quân sự David Axe – biên tập viên trang web War is Boring của Mỹ cho rằng, Lầu Năm Góc đã lặp lại sai lầm trong quá khứ với dự án tiêm kích tiến công kết hợp JSF F-35.
Ông Axe lập luận, nhìn vào lịch sử phát triển máy bay chiến đấu của Mỹ cho thấy, 50 năm trước, Không quân Mỹ cũng gặp phải vấn đề khó khăn tương tự như những gì đang xảy ra với F-35. Ở thời điểm đó, chương trình máy bay chiến thuật F-105 Thunderchief cũng là một thiết kế tiên tiến nhằm đánh bại máy bay chiến đấu đối phương.
Nhưng thực tế, F-105 nặng nề và chậm chạp so với đối thủ trực tiếp của nó là MiG-21 do Liên Xô chế tạo. Không quân Mỹ phải áp dụng nhiều chiến thuật để đảm bảo an toàn cho F-105 trong các nhiệm vụ chiến đấu.
Trước đó, chuyên gia phân tích hàng không quân sự người Australia Carlo Kopp từng nhận xét rằng, F-35 có nhiều điểm giống với F-105 trước đây đến kỳ lạ. Cả hai đều là máy bay chiến đấu sử dụng một động cơ mạnh nhất ở thời điểm đó. Trọng lượng rỗng của 2 máy bay đều khoảng 12,2 tấn, sải cánh 10,6 m.
Gần một nửa số máy bay chiến đấu F-105 được sản xuất bị bắn hạ tại chiến trường Việt Nam. Ảnh: Không quân Mỹ |
F-35 và F-105 đều có khoang vũ khí bên trong thân cùng các điểm treo dưới cánh. Bán kính chiến đấu khoảng 740 km. Cả hai máy bay cùng gặp phải vấn đề ở động cơ là tỷ lệ lực đẩy/trọng lượng thấp. Trong khi các máy bay chiếm ưu thế trên không hoặc đánh chặn ở cùng thời điểm thường sử dụng động cơ có lực đẩy/trọng lượng cao.
Vào thập niên 1950-1960, Không quân Mỹ đã mua khoảng 833 chiếc F-105. Hơn 334 chiếc bị bắn hạ tại chiến trường Việt Nam giai đoạn 1965-1970. Theo nhà phân tích Kopp, khoảng 22 chiếc F-105 bị MiG-21 của Không quân Việt Nam bắn hạ trong không chiến. F-105 cũng bắn hạ khoảng 27 máy bay đối phương.
Như vậy, tỷ lệ chiến thắng trong không chiến của F-105 chỉ tương đương so với đối thủ MiG-21, trong khi nó được thiết kế với mục tiêu áp đảo tiêm kích đánh chặn của Liên Xô. Trước tổn thất quá lớn của F-105, Lầu Năm Góc đã khẩn trương tiến hành chiến dịch huấn luyện không chiến cùng MiG-21 của Iraq đào thoát sang Israel.
Trong quá trình huấn luyện không chiến thực tế, các phi công Mỹ nhận thấy rằng, nếu F-105 bay phía sau MiG-21 nó sẽ có cơ hội để thực hiện cuộc đột kích tốc độ cao. Nhưng nếu MiG-21 ở phía sau, F-105 rất dễ bị bắn hạ do động cơ không đủ lực đẩy cần thiết để cơ động nhanh và đột ngột.
F-35 (trước) tỏ ra lép vế so với F-16 trong không chiến quần vòng. Ảnh: Không quân Mỹ. |
Gần đây, Không quân Mỹ đã tiến hành không chiến mô phỏng giữa F-35 với tiêm kích F-16, dự án tiêm kích đắt nhất lịch sử gặp phải vấn đề tương tự như F-105 về lực đẩy. Phi công thử nghiệm báo cáo rằng, động cơ của F-35 không đủ lực đẩy để thực hiện các động tác cơ động nhanh và đột ngột trong không chiến quần vòng.
F-35 chậm hơn nhiều so với các máy bay chiến đấu dòng Sukhoi của Nga, hay máy bay J-11và J-10 do công ty Thẩm Dương và Thành Đô của Trung Quốc sản xuất. F-35 là máy bay chiến đấu tàng hình, điều đó giúp nó lẫn trốn các hệ thống trinh sát điện từ của đối phương. Nó có thể bí mật tiếp cận đủ gần để gây bất ngờ cho đối phương, đó là lợi thế mà F-35 có được so với các đối thủ.
Ông Axe cho rằng, để F-35 hoạt động tốt, Không quân Mỹ cần lập ra chiến thuật sử dụng hợp lý để tận dụng tính năng tàng hình của F-35 để hạn chế tối đa khuyết điểm của nó. “Các yếu tố quyết định cuộc chơi của JSF F-35 nằm ở tính năng tàng hình của nó”, ông Axe kết luận.