Ưu tiên hàng đầu của Mỹ đối với tình hình Syria hiện nay là chống IS chứ không phải buộc Tổng thống Syria Bashar al-Assad từ chức.
Báo Ả Rập nói thêm rằng Mỹ không còn lắng nghe nguyện vọng của Saudi Arabia trong vấn đề này. Vương quốc dầu mỏ vẫn duy trì quan điểm muốn ông Assad phải từ chức.
Tổng thống Syria Bashar al-Assad. |
Thay vào đó, Mỹ sẽ tập trung vào nỗ lực chống Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), kể từ khi nhóm khủng bố này reo rắc nỗi sợ hãi và thổi bùng lên sự mất ổn định, không chỉ đối với khu vực Trung Đông hay Bắc Phi mà còn ngay tại các quốc gia châu Âu. Đặc biệt là những nước tham gia hoạt động chống khủng bố tại Iraq và Syria.
"Châu Âu và các cơ quan an ninh liên quan không có đủ kinh nghiệm để chống lại làn sóng tấn công tự sát đang có chiều hướng gia tăng. Hơn nữa, các chuyên gia đồng ý rằng các nhóm Hồi giáo cực đoan đang ngày càng hoạt động tích cực. Thành viên của các nhóm này đã thành công trong việc thâm nhập vào xã hội châu Âu", tờ Raialyoum viết.
Vụ tấn công khủng bố bằng xe tải tại thành phố Nice của Pháp vào tháng trước cũng như nhiều vụ tấn công ở Bavaria (Đức) đã củng cố những nhận định này.
Ngoài ra, việc Thổ Nhĩ Kỳ sửa đổi hoàn toàn chính sách ngoại giao cũng là một trong những yếu tố góp phần vào sự thay đổi chung khi nhắc đến tình hình Syria. Ankara từ lâu đã hỗ trợ các nhóm cực đoan muốn lật đổ chính phủ Assad. Nhưng kể từ khi nước này quyết định ngừng hỗ trợ và đóng cửa biên giới với Syria sau cuộc đảo chính thất bại hồi tháng trước, chính quyền Thổ Nhĩ kỳ đã bày tỏ quan điểm muốn cải thiện mối quan hệ với các quốc gia láng giềng, bao gồm cả Syria.
Ngoại trưởng Saudi Arabia Adel al-Jubeir là người duy nhất còn liên tục nhắc lại quan điểm yêu cầu ông Assad phải từ chức, tại Hội nghị Liên đoàn Ả Rập ở Nouakchott, Mauritania. Hội nghị đã diễn ra từ ngày 25/7 và kết thúc vào ngày 28/7.
Nhưng những lời nói của ông Jubeir về vấn đề Syria không còn được các quốc gia trong Liên đoàn Ả Rập quan tâm, tờ Raialyoumviết.
Bên cạnh đó, phe đối lập Syria mà vương quốc giàu mỏ vốn hậu thuẫn không được mời đến tham dự hội nghị. Không giống như truyền thông Syria, các kênh truyền thông của phe đối lập cũng không được phép đến đưa tin.
Tuần trước, Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc ở Geneva, Alexei Borodavkin đã đề cập đến tương lai của ông Assad. "Theo cách mà chúng tôi hiểu, Mỹ không còn nhắc đến việc ông Assad phải từ chức ngay lập tức", ông Borodavkin nói.
Washington đã thay đổi lập trường trong vấn đề này, chỉ tập trung nhắc đến việc ông Assad "được cho là không có một tương lai chính trị ở Syria, nhưng người Mỹ không yêu cầu tổng thống Syria phải từ chức ngay lập tức".
Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry ngày 1/8 đã lên tiếng kêu gọi Nga và chính phủ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad kiềm chế thực hiện các chiến dịch tấn công tại Syria. Ông Kerry hy vọng tiến trình đàm phán chuyển giao quyền lực có thể được tiếp tục mà không nhắc đến việc ông Assad phải từ chức.
Theo Đăng Nguyễn (Nguoiduatin.vn)