Theo báo cáo của Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ (CBO) được công bố vào ngày 1/11, Mỹ có thể sẽ phải chi 1.200 tỷ USD cho các hạng mục nhằm hiện đại hóa và duy trì kho vũ khí hạt nhân của nước này trong 30 năm tới. Trong đó, hơn 800 tỷ USD dành cho hạng muc vận hành và duy trì các lực lượng hạt nhân và 400 tỷ USD dành cho việc hiện đại hóa những vũ khí này.
Theo hạng mục chi phí được trình bày trong báo cáo, Mỹ có thể sẽ chi 772 tỷ USD cho việc vận hành, bảo dưỡng và hiện đại hoá các hệ thống hạt nhân chiến lược và vũ khí như máy bay tầm xa, tên lửa và tàu ngầm phóng vũ khí hạt nhân, và các lò phản ứng hạt nhân cung cấp năng lượng cho tàu ngầm. Các tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo dự kiến tiêu tốn mức phí cao nhất, khoảng 313 tỷ USD.
Khoảng 445 tỷ USD còn lại sẽ được đầu tư cho các hoạt động vận hành phòng nghiên cứu và các cơ sở sản xuất phục vụ hoạt động của hệ thống vũ khí hạt nhân cũng như các hoạt động kiểm soát, chỉ huy, cảnh báo sớm, thông tin liên lạc nhằm đảm bảo an toàn khi vận hành các hệ thống này.
Báo cáo chỉ rõ Mỹ dự định sẽ nâng cấp hầu hết mọi thành tố trong kho vũ khí hạt nhân nước này trong vài thập niên tới. Quy trình hiện đại hóa này sẽ khiến chi phí hàng năm của lực lượng hạt nhân có thể tăng lên gấp đôi. Trong những giai đoạn cao điểm, Mỹ có thể sẽ phải cân nhắc chuyển chi phí của một vài hạng mục ưu tiên quốc phòng khác sang hạng mục vũ khí hạt nhân.
Chính quyền Mỹ hiện đang thực hiện quy trình “Đánh giá hiện trạng hạt nhân” do Tổng thống Mỹ Donald Trump phát động, nhằm xây dựng một chính sách hạt nhân và cơ cấu lực lượng thích hợp nhằm ngăn chặn các mối đe dọa hiện tại.
Sau Chiến tranh Lạnh, kho vũ khí của Mỹ đã có dấu hiệu sụt giảm, sau khi Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược (New START) giữa Washington và Moscow. Tuy nhiên, ông Trump đã nhiều lần tuyên bố sẽ xây dựng kho vũ khí hạt nhân riêng của nước này.
Theo Đức Hoàng (Dân Trí)