Mỹ có thể hợp nhất 2 hạm đội tăng cường cho châu Á

28/09/2015 11:17:39

Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ đang muốn nước này tăng cường tham gia vào khu vực Tây Thái Bình Dương bằng cách phối hợp chặt chẽ hơn với Hạm đội 7 đóng tại Nhật Bản để chú trọng vào các khu vực “bất ổn nhất”.

Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ đang muốn nước này tăng cường tham gia vào khu vực Tây Thái Bình Dương bằng cách phối hợp chặt chẽ hơn với Hạm đội 7 đóng tại Nhật Bản để chú trọng vào các khu vực “bất ổn nhất”.

Tàu của Hạm đội 7 ở Thái Bình Dương. Ảnh: US Navy

 
Trong hai bài phát biểu gần đây ít được báo giới chú ý, Đô đốc Scott Swift đặt câu hỏi liệu có cần phải có ranh giới hành chính dọc đường đổi ngày quốc tế để phân vùng hoạt động cho Hạm đội 7 ở Tây Thái Bình Dương và Hạm đội 3 ở Đông Thái Bình Dương hay không. Một dấu hiệu cho thấy sự thay đổi trong chiến lược của Mỹ là các quan chức hải quân nước này nói rằng, Phó Đô đốc Nora Tyson của Hạm đội 3 chứ không phải người đồng cấp ở Hạm đội 7 sẽ đại diện cho Hải quân Mỹ trong sự kiện Japan Fleet Review - cuộc tập trận nhằm phô diễn sức mạnh của hải quân Nhật Bản được tổ chức 3 năm một lần. “Tôi sẽ không ngạc nhiên khi thấy Phó Đô đốc Tyson mở rộng hoạt động theo tiến trình phát triển của ý tưởng này”, Reuters dẫn lời ông Swift phát biểu hôm 7/9 trong chuyến thăm trụ sở của Hạm đội 7 ở thành phố Yokosuka, Nhật Bản.
 
Bất kỳ thay đổi nào cũng không dẫn đến việc thay đổi địa điểm trụ sở hay các cảng chính, nhưng sẽ cho phép hai hạm đội phối hợp với nhau “ở những khu vực bất ổn nhất”, ông Swift nói, nhưng không đề cập chi tiết. Những phát biểu trên được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng tranh chấp lãnh thổ ngày càng tăng ở châu Á, đặc biệt ở biển Đông, nơi Trung Quốc đang xây dựng 7 đảo nhân tạo và 3 đường băng ở đó.
 
Reuters dẫn lời một quan chức của Hạm đội Thái Bình Dương nói rằng, ý tưởng trên là nhằm xóa bỏ ranh giới hành chính giữa hai hạm đội, nhưng hiện mới đang trong giai đoạn ý tưởng. Vị quan chức giấu tên cho biết, kế hoạch trên xoay quanh việc Hạm đội 3 “hoạt động chuyển tiếp” - thuật ngữ hải quân nghĩa là tiến hành tuần tra và thực hiện các sứ mệnh ở khu vực cách xa căn cứ. Điều này sẽ chính thức hóa và mở rộng vai trò của Hạm đội 3 ở Tây Thái Bình Dương ở góc độ kiểm soát và chỉ huy.
 
Các quan chức Hải quân Mỹ cho biết, khi hoạt động ở phía tây đường đổi ngày quốc tế, các tàu của Hạm đội 3 sẽ theo sự chỉ huy của bộ tư lệnh Hạm đội 7, và rằng sự hội nhập sâu hơn giữa hai hạm đội này không nằm trong chiến lược “xoay trục” của Tổng thống Mỹ Barack Obama sang châu Á - với mục tiêu đưa 60% trang thiết bị của Hải quân Mỹ sang khu vực Thái Bình Dương vào năm 2020.
 
Tăng cường phối hợp với Nhật
 
Tuy nhiên, chuyên gia Mira Rapp-Hooper công tác tại Trung tâm An ninh Mỹ mới tại Washington cho rằng, động thái trên sẽ không tạo ra nhiều thay đổi. “Hạm đội 3 có thể có vai trò mang tính biểu tượng lớn hơn ở châu Á - Thái Bình Dương, nhưng tôi không chắc điều này có mang những hàm ý chiến lược lớn đối với quan hệ Mỹ - Nhật hay không”, bà Rapp-Hooper nói.
 
Hạm đội 7 có nhóm tàu sân bay hoạt động chuyển tiếp duy nhất của Mỹ, cùng với 80 tàu, 140 máy bay và 40.000 thủy thủ. Hạm đội 3 có hơn 100 tàu, trong đó có 4 tàu sân bay. Hạm đội 3 được thành lập năm 1943 dưới sự chỉ huy của Đô đốc William Halsey nhằm chiến đấu với Hải quân Đế quốc Nhật trong Thế chiến 2 ở châu Á. Ý muốn sáp nhập hoạt động của hai hạm đội được tiết lộ trong bối cảnh Nhật Bản vừa thông qua luật nhằm cho phép hải quân phối hợp chặt chẽ hơn với đối tác Mỹ.
 
Một quan chức Hải quân Mỹ nói rằng, việc mở rộng hoạt động của Hạm đội 3 sang châu Á có thể sẽ dẫn đến sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa các chỉ huy Hải quân Mỹ ở Đông Thái Bình Dương và các chỉ huy Hải quân Nhật Bản.
 
Theo Trúc Quỳnh (Tiền Phong)

Nổi bật