Tại Iran
Năm 1953, Thủ tướng Iran Mohammad Mosaddegh quyết định quốc hữu hóa các công ty dầu mỏ của Anh và có xu hướng xích lại với Đảng Cộng sản Iran. Sau đó, Anh đã hỗ trợ cho một cuộc chính biến lật đổ ông Mosaddegh. Sự kiện đã biến Iran từ một nước dân chủ thành quân chủ thân phương Tây.
Sau cuộc Cách mạng Hồi giáo năm 1979, chế độ quân chủ Iran chấm dứt. Từ đó, Mỹ cũng bắt đầu cấm vận Cách mạng Hồi giáo Iran. Hậu quả là từ một nước xuất khẩu 5,4 triệu thùng/ngày năm 1978 (chiếm 17% tổng sản lượng của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ - OPEC) thì đến năm 2013, Iran chỉ xuất khẩu được 700.000 thùng/ngày. Bên cạnh đó, Mỹ cũng đã ủng hộ Iraq khi nước này xung đột với Iran trong cuộc chiến 1980-1988.
Khi thỏa thuận hạt nhân đạt được vào năm 2015 với các cường quốc thế giới P5 + 1, Iran không còn bị ràng buộc bởi các lệnh trừng phạt quốc tế. Bởi thế, các công ty nước ngoài đã tranh nhau đổ xô đầu tư vào đây. Nhờ đó, tốc độ tăng trưởng GDP từ mức -1,3% trong năm 2015 vọt lên 13,4% trong năm 2016.
Năm 2017, Iran xuất khẩu 777 triệu thùng dầu thô, tương đương 2,13 triệu thùng/ngày với mức giá 52 USD/thùng. Đến tháng 4/2018, Iran đã xuất khẩu 2,5 triệu thùng dầu thô mỗi ngày.
Vào tháng 5/2018, Mỹ tuyên bố rút khỏi thỏa thuận với Iran về chương trình hạt nhân. Chính quyền Mỹ sau đó đã áp dụng lệnh trừng phạt “khắc nghiệt chưa từng có” nhằm vào xuất khẩu dầu mỏ, ngân hàng và vận tải biển - các lĩnh vực chủ chốt của Iran.
Đặc biệt, Mỹ tuyên bố mục tiêu “đưa xuất khẩu dầu của Iran về mức 0”. Muốn mục tiêu này thành công, giá dầu thô cần phải giảm mạnh. Với việc Ảrập Xêút, một đồng minh của Mỹ, tuyên bố giảm giá bán dầu thô và tăng sản lượng, giá dầu thô đã có lúc xuống -37,63 USD/thùng tại Mỹ khi kết thúc phiên giao dịch lịch sử ngày 20/4/2020.
Thực tế Ảrập Xêút có tiếng nói quyết định nhất trong bất cứ quyết định nào của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ, vì sản lượng dầu khai thác của nước này chiếm 40% sản lượng của OPEC.
Theo cuốn “The Colder War” của tác giả Marin Katusa, vào năm 1976, Ảrập Xêút đã đồng ý cung cấp cho Mỹ đủ lượng dầu theo yêu cầu, và tăng giảm sản xuất theo lợi ích của Mỹ. Đồng thời, họ cũng tái đầu tư lợi nhuận vào trái phiếu chính phủ Mỹ. Đổi lại, Mỹ bảo vệ Ảrập Xêút khỏi các đối thủ khác trong khu vực, khỏi sự xâm lược của Israel, bảo vệ các giếng dầu.
Do đó, xuất khẩu dầu thô Iran đã bị giảm hơn 80% khi Mỹ áp dụng lại lệnh trừng phạt. Tổng thống Iran Hassan Rouhani từng thừa nhận rằng các biện pháp trừng phạt của Mỹ đã khiến Tehran mất khoảng 200 tỷ USD. Iran bị cô lập khỏi hệ thống tài chính toàn cầu, thậm chí đã phải sử dụng hệ thống hàng đổi hàng để né các lệnh trừng phạt có quy mô ngày một lớn.
Hiện nay, Iran chỉ xuất khẩu khoảng 100.000 - 200.000 thùng/ngày, trong đó phần lớn xuất khẩu sang Trung Quốc. Bởi vậy, Iran đang đàm phán về một thỏa thuận chiến lược 25 năm với Trung Quốc để tìm lối ra cho việc xuất khẩu dầu mỏ.
Tại Venezuela
Những nhà lãnh đạo của Đảng Xã hội chủ nghĩa thống nhất Venezuela như Hugo Chávez và hiện nay là Nicolás Maduro đang tích cực xây dựng mô hình “Chủ nghĩa xã hội thế kỷ XXI” ở Venezuela và ở Mỹ Latin.
Năm 2005, Venezuela đã tịch thu tài sản, quốc hữu hóa 39 công ty dầu mỏ tư nhân và có vốn đầu tư nước ngoài, sau khi thông qua đạo luật cho phép chính phủ kiểm soát toàn bộ ngành công nghiệp “vàng đen”. Tổng thống Venezuela khi đó là ông Hugo Chavez tuyên bố tài sản của 39 công ty tư nhân và nước ngoài bị tịch thu từ nay sẽ thuộc sở hữu của Venezuela.
Tại sao lại có điều này? Bởi vì Venezuela cũng là một cường quốc dầu mỏ trên thế giới với trữ lượng được kiểm chứng lên tới gần 300 tỷ thùng, được coi là nhiều nhất thế giới. Công nghiệp dầu mỏ đóng góp nhiều nhất cho kinh tế Venezuela, tới 1/3 GDP, 80% giá trị xuất khẩu và hơn 1/2 ngân sách nhà nước.
Sau khi quốc hữu hóa các công ty dầu mỏ tư nhân, trong giai đoạn từ năm 2004-2015, xuất khẩu dầu của Venezuela đã giúp nước này thu về 750 tỷ USD và quốc gia này có hơn 42 tỷ USD dự trữ ngoại tệ. Do đó, Venezuela bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi giá dầu giảm. Một USD Mỹ có lúc mua được hơn 1.800 lít xăng, đủ để đi 6 vòng quanh đất nước Nam Mỹ này.
Bên cạnh đó, do các hàng hóa thiết yếu của Venezuela đều phải nhập khẩu từ ngoại tệ xuất khẩu dầu mỏ nên tình trạng giá thành cao và khan hiếm xảy ra. Tong một bài báo của mình, tờ New York Times (Mỹ) còn cho rằng, dầu ăn và giấy vệ sinh tại Venezuela thậm chí còn khan kiếm hơn tại quốc gia đang có nội chiến là Syria.
Việc tháo gỡ mọi hỗn loạn của Venezuela có lẽ phải được bắt đầu từ việc OPEC, nhất là Ảrập Xêút có chính sách độc lập hơn đối với Mỹ. Giá dầu cao, Venezuela sẽ thoát khỏi khủng hoảng.
Trên thực tế, Venezuela đã từng khẩn thiết kêu gọi OPEC có cuộc họp khẩn cấp bàn về cắt giảm sản lượng để đẩy giá dầu lên cao. Tuy nhiên, Ảrập Xêút và một số nước khác đã “bác” đề nghị này.
Hiện Ảrập Xêút và Nga đã đồng ý cắt giảm sản lượng để kéo giá dầu đang rớt thê thảm lên cao với điều kiện Mỹ và các nước khác cũng phải nhập cuộc. Nga, nước xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất ngoài OPEC và Ảrập Xêút - quốc gia dẫn dắt OPEC, đồng ý cắt giảm sản lượng 10 triệu thùng dầu thô mỗi ngày trong tháng 5 và tháng 6/2020.
Từ tháng 7 tới tháng 12/2020, mức cắt giảm sẽ còn 8 triệu thùng/ngày và từ tháng 1/2021 đến tháng 4/2022 là 6 triệu thùng/ngày. Iran, Libya và Venezuela sẽ được miễn cắt giảm sản lượng do lệnh trừng phạt hoặc các khó khăn nội tại.
Bình thường, Venezuela sản xuất 1,2 triệu thùng dầu/ngày. Tuy nhiên, gần đây, nhiều nhân tố ảnh hưởng đến sự sụt giảm năng suất dầu mỏ của Venezuela. Xuất khẩu dầu của Venezuela chỉ đạt 422.000 thùng/ngày trong tháng 6/2020, thấp nhất kể từ năm 1943. Hôm 24/4, giá dầu thô của Venezuela đã giảm xuống 9,90 USD/thùng, thấp nhất trong hai thập kỷ.
Theo Nguyễn Văn Toàn (VietNamNet)