Để đối phó với tình huống vệ tinh bị tấn công, Mỹ quyết nâng cấp máy bay B-2 để mang bom số và có thể tác chiến trong môi trường không GPS.
Trong gói nâng cấp này sẽ bổ sung các vũ khí hạt nhân kỹ thuật số và một số công nghệ mới cho phép phát hiện các tín hiệu từ một vụ nổ hạt nhân.
Eric Single - Trưởng phòng Tấn công Toàn cầu thuộc Cục Trang bị Không quân Mỹ cho biết: "Các máy bay B-2 nâng cấp sẽ được trang bị vũ khí hạt nhân kỹ thuật số thế hệ mới B-61 Mod 12 và tăng cường tên lửa hành trình tấn công tầm xa (LRSO)".
Theo vị đại diện này, tên lửa LRSO sẽ thay thế tên lửa hành trình phóng từ trên không (ALCM) hiện chỉ được trang bị trên máy bay ném bom B-52. "Một khoản ngân sách năm 2016 sẽ dành để thúc đẩy chương trình này", nguồn tin cho biết.
Sau nâng cấp máy bay B-2 sẽ được trang bị vũ khí hạt nhân số. |
Hiện nay, B-61 Mod 12 đang được thực hiện với mong muốn tích hợp tính năng của các thế hệ B-61 Mod 3, 4, 7 và 10 vào một thế hệ duy nhất với bộ đuôi dẫn hướng. Bộ đuôi sẽ cho phép duy trì vận tốc và tăng sự chính xác. Theo kế hoạch, B-61 Mod 12 sẽ được đưa vào sản xuất năm 2017 và hoàn thành năm 2018.
Việc nâng cấp phần mềm sẽ giúp tích hợp B-61 Mod 12 vào máy bay B2, cũng như tăng khả năng lồng ghép các loại vũ khí kỹ thuật số như bom B-61 Mod 12 hoặc LRSO trong tương lai.
Ngoài LRSO, B83, B-61 Mod 12, máy bay B-2 có thể mang B-61 Mod 11 - loại bom có khả năng xuyên rất cao, phá các boongke. Điểm đặc biệt của gói nâng cấp này là tất cả các vũ khí hạt nhân của máy bay B-2 đều được chế tạo để vận hành trong môi trường không có GPS.
Không chỉ có kho vũ khí hạt nhân, B-2 còn mang theo một loạt vũ khí thông thường bao gồm tên lửa tấn công dẫn đường chính xác (JSAM) nặng khoảng 900kg, hoặc bom thông minh JDAM nặng hơn 2.000 kg.
Ngoài ra còn có tên lửa hành trình liên quân ngoài tầm không đối diện JASSM, tên lửa phá hầm ngầm và một số loại vũ khí khác. B-2 cũng có thể mang theo một quả bom thông thường nặng gần 14.000 kg, được gọi là "Ordnance Penetrator Massive".
Hệ thống thông tin liên lạc được thiết kế cho B-2 cũng đang được cải tiến nhằm có được sự kết nối lớn hơn trong trường hợp nổ bom hạt nhân hay bom xung điện từ (EMP). Dự kiến, công nghệ sóng tần số rất thấp/ tần số thấp (VLF/LF) sẽ được áp dụng vào máy bay B-2 trong một vài năm tới, với chi phí lên tới 160 triệu USD.
B-2 sẽ được cải tiến "Hệ thống Kiểm soát Phòng thủ" (DMS) - một máy thu cảnh báo radar giúp phát hiện và báo cáo thông tin về các mối đe dọa. Những tiến bộ trong hệ thống phòng không tích hợp khiến cho môi trường hoạt động khó khăn hơn đối với bất cứ loại vũ khí nào.
Tuy nhiên, công nghệ tàng hình đã tạo ra lợi thế cho B-2 và công nghệ DMS có thể phát hiện ra sự bức xạ từ hệ thống phòng không của đối phương cũng như giúp hiển thị vị trí của chúng. Điều này sẽ giúp cho phi hành đoàn tránh được mối đe dọa từ các hệ thống phòng không và có thể thay đổi hướng bay khi cần thiết.
Clip máy bay tàng hình B-2 phô diễn sức mạnh |
Theo Tuấn Vũ (Đất Việt)