Tập đoàn Lockheed Martin hôm qua cho biết hầu hết các phi đội tiêm kích tàng hình F-35 của Mỹ và đồng minh đã trở lại hoạt động bình thường sau một thời gian ngắn bị cấm bay để kiểm tra. Tất cả hệ thống động cơ của chúng đều được khám nghiệm kỹ càng, đề phòng lỗi trong ống dẫn nhiên liệu có nguy cơ gây tai nạn, Sputnik đưa tin.
Lệnh cấm bay toàn cầu với tiêm kích F-35 được Mỹ áp dụng từ hôm 12/10, sau khi dữ liệu điều tra vụ rơi tiêm kích F-35B của thủy quân lục chiến Mỹ hồi tháng 9 cho thấy vấn đề trong hệ thống ống dẫn nhiên liệu. Không quân Anh, Australia và Israel cũng nhanh chóng ngừng bay các phi đội F-35 cho tới khi chúng được kiểm tra toàn diện.
Lockheed Martin cho biết đã phát hiện lỗi ở ống dẫn nhiên liệu trên một số tiêm kích F-35 Mỹ, buộc chúng ngừng hoạt động cho tới khi bộ phận này được thay thế.
Dù nhiều phi đội F-35 đã được Mỹ đưa vào biên chế, dự án siêu tiêm kích trị giá 1.500 tỷ USD vẫn chưa hoàn tất quá trình phát triển, khi nhiều máy bay xuất xưởng gặp các vấn đề kỹ thuật. Lầu Năm Góc hồi đầu năm cho biết 49% trong số 280 chiếc F-35 bàn giao cho quân đội Mỹ gặp lỗi phần cứng và phần mềm, khiến Washington chỉ có 142 tiêm kích thế hệ mới đảm bảo khả năng sẵn sàng chiến đấu.
Hồi tháng 9/2016, không quân Mỹ cũng ra lệnh cấm bay với phi đội 15 chiếc F-35A sau khi phát hiện vỏ cách nhiệt của ống dẫn chất làm mát trên cánh phi cơ bị bong tróc.
Theo Vũ Anh (VnExpress.net)