"Tổng thống sẽ tiến hành cách tiếp cận đa chiều trong những vấn đề liên quan đến Trung Quốc, bao gồm đánh giá các mức thuế hiện nay. Ông ấy muốn đảm bảo mọi động thái đều được phối hợp với các đồng minh và đối tác, cũng như cả đảng Dân chủ và Cộng hòa tại quốc hội", thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết hôm 25/1.
Đề cập tới cuộc thảo luận về lệnh cấm đầu tư vào các công ty Trung Quốc được đưa ra dưới thời cựu tổng thống Donald Trump, Psaki cho biết chính quyền mới của Joe Biden "chắc chắn sẽ xem xét tổng thể tất cả" và thông báo lại khi có thêm nhiều thông tin.
"Tổng thống Joe Biden cam kết ngăn chặn các hành vi lạm dụng kinh tế trên nhiều mặt của Trung Quốc. Cách hiệu quả nhất để làm điều đó là thông qua hợp tác cùng các đồng minh và đối tác, nhằm thực hiện một cách chính xác", Psaki nói thêm.
Những động thái này cho thấy chính quyền Biden đã bắt đầu xem xét lại cuộc chiến thương mại với Trung Quốc do Trump khơi mào từ năm 2018. Tình hình dường như hạ nhiệt vào đầu năm ngoái nhờ thỏa thuận thương mại giai đoạn một giữa hai bên. Tuy nhiên, giới phân tích đánh giá việc hiện thực hóa thỏa thuận này gần như bất khả thi, đặc biệt trong bối cảnh Covid-19 hoành hành.
Kế hoạch ứng phó Bắc Kinh của Biden được đưa ra trong bối cảnh Liên minh châu Âu vừa đồng ý thỏa thuận đầu tư quy mô lớn với Trung Quốc. Dù đã ký một loạt sắc lệnh đảo ngược các quyết định của Trump, hướng tới tái xây dựng uy tín của Washington trên trường quốc tế, Biden vẫn chưa có động thái nào tác động trực tiếp đến chính sách với Bắc Kinh của người tiền nhiệm.
Giới phân tích đánh giá thái độ cứng rắn với Trung Quốc vẫn sẽ được duy trì dưới thời Biden. Antony Blinken, tân Ngoại trưởng Mỹ, hôm 19/1 cho biết ông không đồng tình với cách đối phó Trung Quốc của Trump trên một số lĩnh vực, nhưng thừa nhận Trump đã đúng khi cứng rắn với nước này.
Theo Ánh Ngọc (VnExpress.net)