Tên lửa SM-6 được thiết kế cho nhiệm vụ phòng không nhưng nay có thể tiêu diệt tàu chiến tải trọng 5.000 tấn nhờ hệ thống dẫn đường mới cùng đầu đạn tốc độ cao.
Thành công này cung cấp thêm giải pháp hỏa lực cho nhiệm vụ chống hạm bên cạnh sức mạnh phòng không và phòng thủ tên lửa sẵn có của SM-6. Trong bối cảnh Hải quân Mỹ đang thiếu hụt vũ khí chống hạm, SM-6 là sự bổ sung đáng kể.
“Các thử nghiệm đối hạm đã chứng minh rằng SM-6 có thể tiêu diệt tàu chiến mặt nước. Nó phá hủy một tàu hộ vệ lớp Perry nhanh chóng”, Mike Campisi – giám đốc chương trình SM-6 của tập đoàn Raytheon nói với tờ tin tức quân sự Scout Warrior.
Giải pháp công nghệ kép
Tên lửa SM-6 được trang bị đầu dò radar bán chủ động và liên kết mạng. SM-6 có thể được dẫn hướng đến mục tiêu bằng hệ thống radar Aegis trên các chiến hạm Mỹ trong trường hợp tấn công mục tiêu tầm gần. Ngoài ra, radar bán chủ động trên tên lửa có thể bám theo tín hiệu phát ra từ mục tiêu mà không phải phụ thuộc quá nhiều vào radar điều khiển hỏa lực trên tàu phóng.
Tên lửa SM-6 rời bệ phóng trong một thử nghiệm. Ảnh: Hải quân Mỹ |
Trong trường hợp tấn công mục tiêu tầm xa, tên lửa sử dụng hệ thống mạng điều khiển hỏa lực hàng hải tích hợp (NIFC). Sau khi phóng, SM-6 được dẫn hướng bằng radar trên máy bay chỉ huy và cảnh báo sớm trên không E-2D Advanced Hawkeyes.
Giải pháp này cho phép tấn công các mục tiêu ngoài giới hạn của radar trên tàu phóng. Giới hạn đường chân trời đối với radar AN/SPY-1D trên các tàu khu trục Aegis là khoảng 460 km đối với mục tiêu bay ở độ cao 9,1 km.
Tên lửa SM-6 sử dụng cơ chế dẫn đường thông qua radar bay E-2D có thể tấn công tàu chiến đối phương ở cự ly 250 km, tương lai sẽ được nâng lên 370 km. Như vậy, với việc sử dụng SM-6 cho mục đích chống hạm, hải quân đã có vũ khí tấn công tàu chiến đối phương gấp đôi tầm bắn của tên lửa Harpoon.
Đầu đạn của tên lửa SM-6 được thiết kế để tiêu diệt các mục tiêu trên không, nhưng tên lửa có tốc độ rất nhanh, khoảng Mach 3,5 (4.287 km/h) nên động năng sinh ra từ vụ va chạm đủ sức để tiêu diệt tàu chiến đối phương.
Điểm độc đáo là việc sử dụng tên lửa SM-6 cho mục đích chống hạm không làm ảnh hưởng đến khả năng phòng không và phòng thủ tên lửa vốn có. Các kỹ sư đã cải tiến cơ chế điều khiển hỏa lực để tên lửa có thể hướng đến các mục tiêu trên mặt nước.
Chiến lược phân tán mối đe dọa
SM-6 sẽ bổ sung cho kho vũ khí chống hạm khiêm tốn về chủng loại của Hải quân Mỹ. Ảnh: Hải quân Mỹ |
Việc biến SM-6 thành tên lửa đa năng là một phần trong chiến lược “phân tán mối đe dọa” - một khái niệm mới của Hải quân Mỹ trong đó hỏa lực được phân tán giữa các tàu chiến theo kiểu tích hợp các tính năng vào trong một thiết kế.
Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đã tiết lộ giải pháp biến tên lửa SM-6 thành vũ khí chống hạm để xua tan những phàn nàn về việc Hải quân Mỹ thiếu tên lửa chống hạm tầm xa. Hiện tại, SM-6 được cấu hình để phóng từ ống phóng thẳng đứng (VLS) Mk41 trên các chiến hạm của Mỹ.
Nhà sản xuất đang cải tiến tên lửa để có thể phóng từ cơ cấu phóng nghiêng nhằm mở rộng trang bị cho các tàu không có VLS Mk41 như tàu chiến ven biển LCS, tàu đổ bộ, thậm chí trên hàng không mẫu hạm.
Nhà phân tích quân sự Dave Majumdar từng nhận định, tên lửa SM-6 đủ sức gây thiệt hại nặng với các tàu khu trục loại lớn như Type-052D của Trung Quốc. Với tên lửa SM-6, Hải quân Mỹ có trong tay vũ khí “3 trong 1” có thể đối phó hiệu quả với nhiều mối đe dọa khác nhau mà không cần bổ sung vũ khí mới.
Theo Quốc Việt (Zing.vn)