Tuần dương hạm mang tên lửa hành trình USS Milius (DDG-69) thuộc lớp Arleigh Burke vừa được điều tới Nhật Bản nhằm tăng cường sức mạnh cho lực lượng Mỹ thường trú tại khu vực Đông Bắc Á.
Sau khi rời San Diego vào ngày 20-4, tuần dương hạm USS Milius tới căn cứ hải quân Yokosuka vào ngày 23-5, tham gia vào biên đội 13 chiến hạm của Hạm đội 7 Hải quân Mỹ, trong đó có tàu sân bay USS Ronald Reagan (CVN-76). Tuần dương hạm USS Milius tới Nhật Bản vào đúng thời điểm có tính chất quan trọng với quan hệ Mỹ - Triều.
Arleigh Burke là lớp tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường (DDG) đầu tiên của Mỹ được chế tạo trên nền tảng hệ thống chiến đấu Aegis. Đây là một trong những tổ hợp tác chiến hiện đại và phức tạp nhất thế giới, biến khu trục hạm lớp Arleigh Burke thành một phần quan trọng trong hệ thống phòng thủ chống tên lửa đạn đạo do Mỹ phát triển.
Tàu lớp Arleigh Burke là trụ cột của hạm đội với khoảng 62 tàu, chiếm 1/5 tổng số tàu của Hải quân Mỹ và là lớp tàu khu trục mạnh mẽ và đông đảo nhất thế giới hiện nay. Điểm đặc biệt và cũng là điểm nhấn của tàu Burke là hệ thống radar Aegis, nó có thể chỉ huy nhiều loại tên lửa phòng không để tấn công mục tiêu đang tiếp cận.
Những chiếc tàu khu trục lớp mới này sẽ được trang bị toàn bộ hệ thống tác chiến Aegis phiên bản nâng cấp, giúp tàu có hỏa lực cực mạnh, tốc độ xử lý cực nhanh trong tác chiến phòng không cũng như nâng cao khả năng đối kháng điện tử.
Tàu được trang bị 6 ngư lôi đối ngầm Mk.46. Các máy bay trực thăng săn ngầm MH-60R trên tàu có khả năng săn ở tầm xa. Ngoài ra tàu còn được trang bị pháo hạm lớn và các loại tên lửa đối không, đối đất và đối hạm.
Theo An Ninh Thủ Đô