Mới đây cư dân mạng ở Nhật Bản, Trung Quốc và cả Singapore liên tục chia sẻ những hình ảnh về các đám mây kỳ lạ bất ngờ xuất hiện trên bầu trời khiến nhiều người không khỏi rời mắt. Thậm chí, vì nó lạ và hiếm thấy nên nhiều người còn gán cho nó cái mác "điềm báo". Kẻ thì bảo phen này lành ít dữ nhiều, tận thế sắp đến chăng? Người thì hô hào "Cầu nguyện đi thôi", cứ như thể 1000 năm mới được thấy một lần như mưa sao băng vậy.
Tuy nhiên, ít ai biết rằng đây là hiện tượng tuy không xảy ra liên tục nhưng cũng từng xuất hiện ở nhiều quốc gia trên thế giới như Mỹ, Brazil, Singapore, Thụy Sĩ, Bồ Đào Nha, Canada, Trung Quốc và cả ở Việt Nam.
Dưới góc nhìn của các nhà khoa học, hiện tượng này hết sức bình thường như thể cầu vồng xuất hiện sau cơn mưa vậy. Họ gọi đó là cầu vồng lửa! Gọi là cầu vồng lửa nhưng thực chất nó không phải là lửa hay cầu vồng xuất hiện trên bầu trời.
Cầu vồng lửa vắt ngang qua bầu trời là hiện tượng quang học. Hiện tượng này có tên khoa học là circumhorizontal arc, thường xuất hiện ở những đám mây ti hoặc mây ti tầng. Circumhorizontal arc là kết quả của ánh sáng Mặt Trời chiếu qua tinh thể băng nhưng nó cũng có thể ra đời dưới ánh trăng trong trường hợp hiếm hoi hơn.
Theo Mother Nature Network, hiện tượng quang học này hình thành từ sự khúc xạ của ánh sáng Mặt Trời, đôi khi là Mặt Trăng, qua các tinh thể băng đá lơ lửng trong không khí. Mặt Trời khi đó phải ở vị trí rất cao, khoảng 58 độ so với đường chân trời hoặc cao hơn.
Theo L.T (Nhịp sống Việt)