Trung tuần tháng 10, sự kiện Landbridge Group, một công ty của Trung Quốc đã thắng thầu thuê cảng Darwin của Australia trong 99 năm đã gây bão dư luận ở nước sở tại.
506 triệu AUD, thuê 99 năm |
Theo đó, Landbridge Group sẽ thuê đất thuộc Cảng Darwin và cơ sở hạ tầng của bến cảng East Arm bao gồm căn cứ quân sự cung ứng hải quân Darwin, bến cảng Fort Hill trong 99 năm. Chính quyền Phương Bắc vẫn giữ lại một số tài sản thuộc cảng Darwin.
Theo hợp đồng, Landbridge sẽ phải trả toàn bộ tiền thuê nhưng chỉ được nắm giữ 80% cổ phần. Trong 5 năm, phải tìm một nhà đầu tư Australia để mua nốt 20% cổ phần còn lại. Từ nay đến lúc đó, số cổ phần này vẫn thuộc chính quyền Bắc Australia. Quy định được đưa ra nhằm thực hiện đúng cam kết sẽ giữ lại một phần cổ phần cảng trong tay người Australia.
Ông Mike Hughes, Giám đốc Hạ tầng Landbridge tại Australia cho biết: “Landbrigde dự định sẽ tăng cường thương mại hai chiều giữa Australia và châu Á, phát triển các hoạt động kinh doanh kho vận và cảng sẵn có, đưa Darwin lên bản đồ doanh nghiệp Trung Quốc. Landbridge cũng cam kết đầu tư phát triển trị giá 35 triệu USD trong 5 năm đầu tiên, chi 200 triệu USD trong 25 năm tới. Sau này, dựa trên quy mô cơ hội phát triển có thể đầu tư nhiều hơn”.
Lối ra biển Đông
Kế hoạch hấp dẫn là vậy nhưng ông Thomas Mayor, Giám đốc chi nhánh Liên đoàn Hàng hải Australia (MUA) gửi một thông báo lên Đài truyền hình Australia: “Đại diện cho MUA, tôi cực lực lên án thỏa thuận mua bán cảng công Darwin cho công ty đầu tư tư nhân của Trung Quốc”.
Thậm chí, lãnh đạo phe đối lập, Michael Gunner chỉ trích, thỏa thuận này chẳng có mục đích nào ngoài “vơ vét tiền” và bày tỏ e ngại khi viện dẫn tình hình thực tế lao động đang gặp khó khăn tại căn cứ cung ứng hải quân ở Darwin (đang cho một công ty nước ngoài thuê) để chứng minh.
Theo MUA, việc cho thuê cảng trong bối cảnh gia tăng căng thẳng quân sự giữa Mỹ và Trung Quốc ở khu vực Đông Nam Á có thể sẽ đe dọa an ninh quốc gia và ảnh hưởng đến quan hệ quân sự, chính trị chiến lược với Mỹ.
WSJ dẫn thông tin từ một quan chức quốc phòng Australia lo ngại an ninh quốc gia bị vi phạm, vì cảng biển Darwin là nơi gần nhất để nước này tiến vào biển Đông - tuyến hàng hải trị giá 5 nghìn tỷ USD/năm, nơi Trung Quốc đang muốn độc chiếm với các tuyên bố chủ quyền gây tranh cãi. Vấn đề an ninh còn được đặt ra khi Australia có kế hoạch tuần tra cùng với Mỹ, trong đó có khả năng tàu chiến hai nước cùng xuất phát từ cảng Darwin. Ngoài ra, mỗi năm, hàng nghìn thủy quân lục chiến cùng máy bay chiến đấu Mỹ tập trận và hơn 15 nghìn binh sỹ (chiếm 2/3 quân lực Australia) đồn trú tại đây.
Thế nhưng, cũng rất khó xử với Australia, vì hiện Trung Quốc đang là đối tác thương mại lớn nhất của nước này. Năm ngoái, thương mại song phương giữa hai nước đạt 142 tỷ AUD (đô la Australia), còn thương mại giữa Australia với Mỹ là 40 tỷ AUD.
Landbridge Group là tập đoàn do tỷ phú Trung Quốc Ye Cheng sở hữu. Ông Cheng, 53 tuổi nằm trong danh sách tỷ phú thế giới của Forbes với tổng tài sản 1,37 tỷ USD (năm 2015). Năm ngoái, Tập đoàn Landbridge đầu tư vào Tập đoàn Sản xuất khí đốt WestSide trụ sở tại Brisbane của Australia.
Theo Trang Trần (Báo Giao Thông)