Để đẩy nhanh tiến độ thương vụ thủy phi cơ US-2 với Ấn Độ, Nhật Bản đã đồng ý giảm giá tới 10% cho gói hợp đồng 12 chiếc máy bay này.
Được biết, ngay sau khi lên nắm quyền hồi giữa năm 2014, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã có chuyến công du nước ngoài đầu tiên tới Nhật Bản. Trong chuyến thăm, ông Modi công bố kế hoạch mua các máy bay US-2 trang bị cho Hải quân Ấn Độ.
Nhưng thương vụ này đã "không thuận buồm xuôi gió" và lâm vào cảnh bế tắc, trong bối cảnh người Nhật kiên quyết bán theo giá niêm yết là 133 triệu USD/chiếc, từ chối đề xuất giảm giá của Ấn Độ.
Thủy phi cơ US-2. |
Sau khi Defense News đăng tải thông tin Nhật giảm giá cho Ấn Độ, các nhà ngoại giao Tokyo chưa đưa ra bất cứ bình luận gì. Trong khi đó, một quan chức giấu tên của Hải quân Ấn Độ cho biết: Các máy bay đổ bộ mới sẽ ngay lập tức được điều động tới khu vực Ấn Độ Dương.
Theo nhận định của hãng tin DNA India, việc hợp tác với Ấn Độ là điều hoàn toàn dễ hiểu khi ngay từ thời điểm thông qua lệnh xuất khẩu vũ khí, Nhật Bản đã xác định Ấn Độ sẽ là một thị trường tiềm năng.
Hợp tác quốc phòng với Ấn Độ không chỉ mang lại quyền lợi kinh tế mà còn những tác động địa chính trị to lớn, làm gần gũi thêm mối quan hệ tốt đẹp của cả hai bên.
Ngoài Ấn Độ, Nhật Bản còn đang hướng tới một thị trường tiềm năng để xuất khẩu vũ khí là Đông Nam Á. Giới chức quốc phòng Nhật Bản nhận định, Đông Nam Á đang có nhu cầu được sở hữu những vũ khí tác chiến công nghệ cao, hiện đại, có uy lực với giá thành hợp lý, nhằm đảo bảo khả năng phòng thủ quốc gia trước những nguy cơ phức tạp từ bên ngoài.
Đặc biệt là các trang tàu chiến tuần duyên, tàu khu trục mang tên lửa hay các máy bay trinh sát, săn ngầm hiện đại… và những vũ khí đó Nhật Bản hoàn toàn có khả năng đáp ứng được cho Đông Nam Á.
Theo Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản, bán vũ khí cho Đông Nam Á không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn có những tác động quan trọng trong vấn đề xây dựng lòng tin chiến lược giữa các bên với nhau để theo đuổi những mục tiêu chung.
Thời gian tới, Tokyo sẽ tổ chức hội thảo với các quan chức ASEAN để giới thiệu về vũ khí của mình và những mục đích chính trị mà họ muốn gửi gắm.
Hiện tại, Đông Nam Á và Ấn Độ là hai thị trường chiến lược mà Nhật Bản thực sự quan tâm. Nhưng có thể nhận thấy rằng, hai thị trường này đều là những khách hàng ruột của Nga, và tồn tại mâu thuẫn với Trung Quốc.
Clip máy bay US-2 phô diễn sức mạnh |
Theo Tuấn Hưng (Đất Việt)