Các điều tra viên tập trung vào việc giải phẫu tử thi trục vớt từ nơi máy bay AirAsia rơi để có thể hiểu rõ điều gì đã xảy ra với chuyến bay QZ8501, nhưng một số gia đình không đồng ý, vì lý do tình cảm, văn hóa, tôn giáo.
|
Tối 3/1, thủy phi cơ BE-200 của Nga tới khu vực tìm kiếm, mang theo thiết bị dò tìm mảnh vỡ nhỏ, hệ thống sonar đặc biệt có khả năng bắt tín hiệu phát đi từ hộp đen máy bay, 1 tàu lặn và 22 thợ lặn. Ảnh: Xinhua.
|
Giới chức Indonesia muốn mổ xác một số nạn nhân để họ có thể biết nguyên nhân cái chết, cũng như tại sao máy bay rơi sáng 28/12/2014.
Tại trung tâm khủng hoảng ở thành phố Surabaya của Indonesia, một người bà đang đau buồn trước sự ra đi của cả gia đình con - cháu. Cháu trai 13 tuổi Adrian Fernando, cháu gái 3 tuổi Angeline Esther, con gái Lia Sari và con rể Mulyahadi Kusuma đã đi trên chuyến bay định mệnh QZ8501, cất cánh từ Surabaya đi Singapore.
Bà Leoni Tan nói: “Cháu gái tôi mới 3 tuổi, sinh nhật nó vừa mới qua. Tôi đau buồn quá”. Bà Tan cho biết, gia đình con gái bà đang trên đường tới Singapore để nghỉ lễ thì gặp nạn. “Chúng muốn nhìn thấy Hello Kitty. Cháu gái út ít của tôi rất vui khi thấy mèo Kitty”, bà kể.
Giống như nhiều người khác, bà Tan rất muốn biết tại sao chiếc Airbus 300-200 của AirAsia Indonesia lại rơi xuống biển Java. Tuy nhiên, bà cùng nhiều gia đình nạn nhân khác đang có mặt ở Surabaya chờ nhận diện người thân không đồng ý cho cơ quan chức năng giải phẫu tử thi những người thân yêu của họ. Bà Tan nói: “Nếu giải phẫu tử thi, họ sẽ mổ toang các thi thể? Ôi, không, tôi không muốn điều đó”.
Bà Annie, chị gái của nạn nhân Hendra Theodorus, nói: “Chúng tôi không đồng ý giải phẫu tử thi. Chúng tôi muốn nhận được thi thể nguyên vẹn”.
Các điều tra viên nói rằng, họ sẽ cố gắng hết sức để đáp ứng nguyện vọng của gia đình các nạn nhân. Ông Budiyono, Giám đốc Bộ phận Xác định Nạn nhân Thảm họa tỉnh Đông Java (Indonesia), khẳng định: “Vì mục đích điều tra, chúng tôi đồng ý và được Tổ chức cảnh sát quốc tế Interpol chấp nhận rằng, cần tính đến yếu tố văn hóa, tôn giáo. Trường hợp xấu nhất, sẽ chỉ giải phẫu tử thi cơ trưởng, cơ phó và một số mẫu hành khách”.
Tối 3/1, AirAsia ra thông báo nói rằng, các chuyên gia điều tra nạn nhân thảm họa đến từ Singapore và Hàn Quốc sẽ hỗ trợ Indonesia xác định danh tính các thi thể.
Ngoài kết quả giải phẫu tử thi, các điều tra viên đang trông chờ việc định vị, trục vớt hai hộp đen của chuyến bay QZ8501. Nhiều máy bay, tàu thủy đang chạy đua bắt tín hiệu phát ra từ hộp đen trước khi chúng ngừng hoạt động vì hết pin.
Ngày 3/1, tàu đổ bộ RSS Persistence của Hải quân Singapore trục vớt một phần khoang hành lý và một túi hành lý tại khu vực tìm kiếm máy bay Airbus 300-200 ở biển Java, gần đảo Kalimantan. Một phần khoang hành lý có kích thước 102 x 75cm.
Cùng ngày, Cơ quan Tìm kiếm – Cứu nạn Quốc gia Indonesia khẳng định, đến nay đã tìm thấy 4 bộ phận của máy bay, trục vớt được 30 thi thể nạn nhân, trong đó 4 người đã được nhận dạng.
>> AirAsia Indonesia có thể bị tước giấy phép sau vụ "bay chui"
>> Hầu hết nạn nhân có thể kẹt trong máy bay QZ8501
>> QZ8501: Nỗ lực cứu máy bay bất thành của phi công
Theo Thái An (Tiền Phong)