Khi ông Donald Trump đặt tay lên quyển Kinh thánh và tuyên thệ trở thành tổng thống thứ 45 của nước Mỹ, người ta chợt nhận ra viễn cảnh một nước Mỹ thực dụng hơn bao giờ hết đang ngày càng gần...
Người Mỹ xuống đường biểu tình chống Tổng thống Donald Trump ngày 21-1 - Ảnh: Reuters |
Trong diễn văn nhậm chức, Tổng thống Donald Trump mở đầu bằng việc chỉ trích chính quyền cũ và tuyên chiến với giới tinh hoa ở Washington, như thể cựu tổng thống Barack Obama không phải đang ngồi cách ông chỉ vài bước chân.
Một nước Mỹ không còn thân thiện đang dần mở ra dưới chân ông Trump mà sải bước trên đó là những cái đầu đang mang tư tưởng “người Mỹ trên hết”.
Kỷ nguyên mới của nước Mỹ
“Kể từ hôm nay trở đi, một tầm nhìn mới sẽ dẫn dắt đất nước này. Từ nay về sau, sẽ chỉ có nước Mỹ là trước tiên, lợi ích của nước Mỹ sẽ được đặt lên hàng đầu”. Đó là những gì mà tổng thống thứ 45 của nước Mỹ nhắc tới trong diễn văn nhậm chức dài 16 phút của mình.
Khác với nhiều người tiền nhiệm, ông Trump không hứa hẹn sẽ giúp nước Mỹ tiếp tục giữ vị thế siêu cường, sẽ tiếp tục bảo vệ đồng minh và đem lại sự thịnh vượng trong bài phát biểu.
“Chúng ta phải bảo vệ biên giới khỏi sự tàn phá từ những nước sản xuất sản phẩm của chúng ta, ăn cắp công ty của chúng ta và hủy hoại công việc của chúng ta”, đó chắc chắn là cách mà ông Trump lựa chọn: đối đầu và giành chiến thắng trong các giao dịch thương mại.
Trong tầm nhìn của ông Trump, tất cả những nước khác đã trở thành kẻ đánh cắp và trơ tráo khi nhận lấy sự bảo vệ miễn phí của người Mỹ trong suốt hàng thập kỷ qua chỉ bằng một câu nói.
Nói như tờ Washington Post, ông Trump đã làm cho người ta cảm thấy “ớn lạnh” khi nhớ về thời kỳ nước Mỹ trước Thế chiến thứ hai, khi mà Washington sẵn sàng từ bỏ đồng minh thân cận nhất để bảo vệ lợi ích, tránh xa cuộc chiến ở châu Âu và bán vũ khí để thu lợi từ hai phía.
70 năm là thời gian nước Mỹ đã từ bỏ sự ích kỷ đó để nuôi dưỡng tham vọng lãnh đạo thế giới. Liên Hiệp Quốc được sinh ra ở San Francisco và phát triển bên sông Đông Manhattan - một tham vọng xây dựng trật tự dân chủ và phổ biến các giá trị Mỹ trên thế giới, hẳn nhiên cho đến bây giờ vẫn chưa thành công bởi Liên Hiệp Quốc không phải chỉ có một mình nước Mỹ.
Kế hoạch Marshall và việc tạo ra thêm các định chế tài chính như Ngân hàng Thế giới đã giúp tái thiết các quốc gia châu Âu thời hậu chiến, biến họ thành các đồng minh thân cận. Rồi NATO được thành lập với mục tiêu phòng thủ chung, bảo vệ đồng minh trước các mối đe dọa trong chiến tranh lạnh...
Tất cả những điều đó, sau bảy thập kỷ hào phóng của Washington, đã biến nước Mỹ thành kẻ thua cuộc như ông Trump nói.
“Chúng ta làm giàu cho các nước khác, trong khi sự thịnh vượng, sức mạnh, sự tự tin của đất nước đã tản mát ngoài đường chân trời. Các nhà máy lần lượt đóng cửa và rời khỏi đất nước mà không mảy may nghĩ đến hàng triệu công nhân Mỹ bị bỏ lại phía sau...
Của cải của tầng lớp trung lưu bị tước đoạt khỏi ngôi nhà của họ để rồi phân phát cho khắp thế giới. Nhưng đó là quá khứ và giờ chúng ta sẽ nhìn về tương lai”.
Một nước Mỹ sẽ thay đổi, sẽ đặt lợi ích của người dân lên trên hết. Cái gì gọi là trách nhiệm lãnh đạo thế giới của người Mỹ, đó là điều mà Trump sẽ không đoái hoài, hay nói một cách khác nước Mỹ sẽ “không tìm cách áp đặt cách sống của mình vào bất cứ ai mà để nó tỏa sáng như một tấm gương. Chúng ta sẽ tỏa sáng cho mọi người noi theo”.
Nếu thế giới có thật sự noi theo như Trump nói, một thế giới của sự bảo hộ mậu dịch, của chủ nghĩa thực dụng và sự thoái trào của toàn cầu hóa sắp bắt đầu, đúng như cách mà Trump đã gợi ý rằng “tất cả quốc gia đương nhiên phải đặt lợi ích của chính mình lên trước”.
Richard N. Haass, tác giả của cuốn sách A world in disarray (tạm dịch: Một thế giới hỗn loạn), nhận định: “Tư tưởng “người Mỹ trên hết” hẹp hòi sẽ nhắc nhở các nước khác theo đuổi một chính sách đối ngoại độc lập hẹp hòi tương tự, điều sẽ làm suy giảm ảnh hưởng của Mỹ và sự thịnh vượng toàn cầu”.
Chúng ta, chúng tôi hay tôi?
Tờ Wall Street Journal có một phân tích ngôn ngữ khá hay khi chỉ ra rằng 58% nội dung diễn văn nhậm chức của Tổng thống Donald Trump nói về tinh thần dân tộc. Từ “chúng tôi”, “chúng ta” chiếm 10% bài viết, nhiều hơn bài phát biểu của ba đời tổng thống Mỹ trước đó.
Giới quan sát nhận định điều này khá phù hợp với chiến lược mà ông Trump đã sử dụng để chiến thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng: đánh vào tầng lớp trung lưu và số đông im lặng của nước Mỹ. Đi lên như một đại diện của phong trào dân túy Mỹ, Trump hẳn nhiên nên biến bài phát biểu trở thành tuyên bố chung cho tầng lớp nhân dân lao động, những người đã tin tưởng bỏ phiếu cho ông tại những bang quan trọng.
“Mọi quyết định về thương mại, thuế, xuất nhập cảnh và đối ngoại sẽ đều nhằm mang lại lợi ích cho người lao động Mỹ và gia đình Mỹ. Vì các bạn, tôi sẽ chiến đấu không ngừng nghỉ. Và tôi sẽ không bao giờ làm quý vị thất vọng. Nước Mỹ sẽ lại chiến thắng và chiến thắng vang dội chưa từng thấy”.
Ý tứ của câu chữ đã thể hiện rất rõ ràng, sự thành công của nước Mỹ, lợi ích của người dân sẽ do từ sự nỗ lực cá nhân của ông Trump mà thành. Chưa bao giờ người ta thấy ý chí cá nhân của một tổng thống Mỹ lại mạnh mẽ như thế, ít nhất là sau hơn 8 năm dưới thời của Đảng Dân chủ.
Việc Đảng Cộng hòa chiếm ưu thế ở cả Hạ viện, Thượng viện đã tạo điều kiện hết sức lớn để ông Trump có thể thông qua các quyết sách mang dấu ấn của mình.
Doanh nhân Trump, giờ là tổng thống thứ 45 của nước Mỹ, sẽ dẫn dắt cường quốc hàng đầu thế giới bước vào một kỷ nguyên mang đậm dấu ấn cá nhân, kỷ nguyên mà mọi thứ đều quy ra bằng tiền kể cả các mối quan hệ đồng minh và lợi ích chiến lược.
Biểu tình chống Trump ở nhiều nơi trên thế giới Hàng chục nghìn phụ nữ tại thủ đô của các nước như Đức, Pháp, Úc, Nhật Bản đã xuống đường biểu tình phản đối Tổng thống Donald Trump sau ngày ông tuyên thệ nhậm chức. Tại Mỹ, các cuộc biểu tình chống Trump vẫn tiếp diễn với sự tham gia của hàng trăm nghìn người ở các thành phố lớn, đơn cử như Los Angeles có tới 750.000 người tham gia tuần hành, theo Reuters. Các nhà tổ chức tuyên bố huy động tổng cộng gần 5 triệu người cho các cuộc biểu tình chống ông Trump trên toàn thế giới. Trong một diễn biến liên quan, Nhà Trắng tiếp tục phát đi thông điệp mang tính cảnh cáo đối với truyền thông về những bức ảnh so sánh số người tham dự lễ nhậm chức của ông Trump và cựu tổng thống Barack Obama. Người phát ngôn Nhà Trắng khẳng định số người trực tiếp tham dự là “nhiều nhất kể từ trước đến nay” và cáo buộc truyền thông đã cố tình “chơi xấu” khi cắt xén các bức ảnh. |
Theo Duy Linh (Tuổi Trẻ)