Theo quy định của EU, vào ngày này sang năm, Anh sẽ chính thức không còn là thành viên của khối. Không còn nhiều thời gian nhưng quá trình đàm phán về Brexit tới nay chưa đạt được kết quả cơ bản nào ngoài thỏa thuận EU dành cho Anh thời kỳ quá độ đến cuối năm 2020.
Brexit chưa thấy mang lại lợi ích gì cho cả London lẫn EU mà chỉ thấy toàn gây khó. Anh vẫn bị phân rẽ sâu sắc trong xã hội lẫn trên chính trường. EU cũng chẳng có được đồng thuận về đàm phán với Anh lẫn định hướng phát triển sau khi nước này ra đi. Bà May vẫn tiếp tục cầm quyền nhưng đảng Bảo thủ đã mất quyền kiểm soát quốc hội. Chính phủ vẫn bế tắc về cách xử lý Brexit để vừa có lợi nhất vừa được EU chấp nhận. Càng chạy đua với thời gian, hai bên lại càng thêm khác biệt.
Brexit là thí nghiệm chính trị xưa nay chưa từng thấy đối với Anh lẫn EU. Một năm đã trôi qua nhưng cả hai vẫn không thể trù liệu được kết quả đàm phán cuối cùng sẽ ra sao, bao giờ quá trình ấy có thể kết thúc và sau đó sẽ như thế nào. Cử tri Anh đã đâm lao nên chính phủ phải theo lao và EU cũng không khác biệt gì nhiều. Thôi thì cả hai cứ đến đâu hay đó vậy.
Theo Phạm Lữ (Thanh Niên Online)