Theo các thông tin ban đầu thì cấu hình vũ khí của 4 tàu tên lửa Molniya tiếp theo sẽ có nhiều cải tiến so với hiện nay, mặc dù chưa công bố cụ thể nhưng theo các chuyên gia gần như chắc chắn 100% tàu sẽ được nâng cấp tên lửa chống hạm siêu âm, có thể là 3M55 Yakhont hoặc 3M54 Kalibr.
Tuy nhiên do 2 loại tên lửa có kích thước lớn và trọng lượng nặng hơn nhiều so với loại 3M24 Uran-E cho nên tàu sẽ không thể mang tới 4 bệ phóng như KT-184 với 16 quả đạn như hiện nay mà sẽ phải chấp nhận giảm bớt đôi chút.
Nhưng vì vũ khí mới có tốc độ rất cao, tầm bắn xa, khả năng đánh chặn rất khó, cho nên sẽ không yêu cầu phóng cơ số đạn lớn vào cùng 1 mục tiêu như loại Uran-E, không gây ảnh hưởng nếu phải cắt giảm số lượng.
Cách đây một thời gian, khả năng cao nhất được đề cập tới là Việt Nam sẽ nâng cấp tàu Molniya theo cấu hình được Ấn Độ giới thiệu, đó là gắn kết 2 bệ phóng nghiêng lắp 8 quả tên lửa hành trình chống hạm siêu âm PJ-10 BrahMos hai bên mạn tàu.
Đáng tiếc rằng hiện nay Ấn Độ vẫn chưa bán tên lửa BrahMos cho Việt Nam trong khi cấu hình vũ khí của những chiếc Molniya mới đã được đàm phán cụ thể, ngoài ra phía bạn vẫn chưa triển khai phương án này ngoài thực địa nên chúng ta sẽ không đi theo đề xuất trên mà quay lại với đối tác truyền thống chính là Nga.
Nếu vậy, còn một phương án nữa tỏ ra ưu việt hơn và đã được Nga áp dụng thành công, đó là trang bị bệ phóng CM-403 của tên lửa Oniks/Yakhont với cơ số 12 đạn tên lửa.
Hải quân Nga đã tiến hành hiện đại hóa hỏa lực cho tàu hộ vệ tên lửa cỡ nhỏ Nanuchka - Dự án 1234.7, mỗi bệ phóng này mang 6 tên lửa Oniks phóng theo phương nghiêng, cấu hình này hoàn toàn có thể áp dụng trên Molniya 1241.8.
Nếu lựa chọn cách làm đó, bệ phóng CM-403 sẽ yêu cầu phải xoay một góc 90 độ cho phù hợp với kích thước boong tàu Molniya, đây là thao tác đơn giản, không gây ảnh hưởng đến hoạt động.
Còn nếu Việt Nam muốn trang bị tên lửa 3M54 Kalibr-NK cho tàu Molniya 1241.8 thì Nga cũng đã giới thiệu một cách làm khác, đó là bệ phóng nghiêng đa năng 3S-14PE cũng mang 6 đạn 3M54 mỗi bệ.
Tuy nhiên bệ phóng 3S-14PE mới chỉ nằm trên giấy, chưa được triển khai ngoài thực tế như loại CM-403, cho nên nó tỏ ra yếu thế hơn vì chúng ta quen đặt hàng vũ khí đã chứng minh được năng lực qua thời gian dài hoạt động.
Nhưng với bất cứ cấu hình nào do Nga đề xuất thì Molniya 1241.8 nâng cấp của Việt Nam cũng sẽ có tới 12 đạn tên lửa hành trình chống hạm siêu âm, mang lại sức mạnh vượt trội so với 16 quả 3M24 Uran-E như hiện tại.
Theo Chí Linh (Đất Việt)