Moldova: Bắt giữ hàng loạt thẩm phán vì nghi ngờ tham nhũng

01/10/2016 10:21:00

Mới đây, tại Moldova, 20 thẩm phán và thừa phát lại nước này bị khởi tố vì nghi ngờ liên quan đến hoạt động rửa hàng chục tỷ USD đã chiếm đoạt ở Nga và được chuyển ra nước ngoài thông qua Ngân hàng Moldindconbank của Moldova. Trong đó, 15 thẩm phán và 3 thừa phát lại bị bắt, 2 người bị truy nã.  

Mới đây, tại Moldova, 20 thẩm phán và thừa phát lại nước này bị khởi tố vì nghi ngờ liên quan đến hoạt động rửa hàng chục tỷ USD đã chiếm đoạt ở Nga và được chuyển ra nước ngoài thông qua Ngân hàng Moldindconbank của Moldova. Trong đó, 15 thẩm phán và 3 thừa phát lại bị bắt, 2 người bị truy nã.  

Chặt đứt đường dây rửa tiền

Theo tài liệu điều tra, các thẩm phán là “mắt xích” quan trọng trong đường dây biển thủ tiền và chuyển ra khỏi nước Nga trong giai đoạn 2010-2013 và được gọi là “đường dây Moldova”.

Tham gia đường dây này có các công ty, ngân hàng Nga và Ngân hàng Moldindconbank do Vyacheslav Platon kiểm soát. Ngoài ra, còn có các công ty nước ngoài, trong đó có Anh, tòa án các cấp của Moldova và nhiều công dân nước này, những người được thuê đứng tên công ty của Nga cũng tham gia “đường dây Moldova”.

Để rửa sạch số tiền “bẩn” kiếm được, theo Chánh án Tòa án Tối cao Moldova Mikhay Poalelunzh, doanh nghiệp Nga thường mở tài khoản tại Moldindconbank và tạo các khoản nợ giả. Công ty của Moldova - “chủ nợ” đệ đơn ra tòa án địa phương để yêu cầu thu hồi nợ của công ty Nga.

Quyết định thu hồi nợ được giao cho thừa phát lại là tay trong của họ. Những thừa phát lại này sẽ có mặt tại Moldindconbank đúng vào thời điểm tiền được chuyển đến và “nợ” được thu hồi. Sau đó, số tiền này được chuyển cho các công ty  ở nước ngoài. Chánh án Poalelunzh khẳng định, từ đầu năm 2014, ông đã kiểm tra hàng chục quyết định của thẩm phán ở tòa án các cấp khác nhau liên quan tới việc thu hồi những khoản nợ từ 180 đến 800 triệu USD của các công ty Nga. 

Còn theo người đứng đầu Cơ quan chống tham nhũng thuộc Viện Công tố Moldova Viorel Morar, ngày 20-9-2016, 15 thẩm phán gồm Shtefan Nitstsa, Garri Bivol, Yurie Tsurkan, Liliana Andriash, Yurie Khyrbu … và 3 thừa phát lại đã bị bắt.

Họ đều làm việc tại tòa án các cấp khác nhau ở các thành phố Kishinev, Telenesti, Comrat và Ungheni của Moldova. 2 người là thẩm phán và thừa phát lại bỏ trốn và bị truy nã. Cơ quan điều tra đã thực hiện 51 cuộc khám xét nơi làm việc, nhà riêng và ô tô của các đối tượng này. 

Ông Morar khẳng định, tất cả các thẩm phán và thừa phát lại này bị buộc tội tham gia hoạt động rửa tiền. Đã có hơn 20 tỷ USD tiền bẩn được rửa thông qua “đường dây Moldova”.

Trước đó, ngày 17-2-2014, cơ  quan điều tra đã khởi tố vụ án rửa tiền theo Điều 243 Bộ luật Hình sự Moldova với mức cao nhất của khung hình phạt là đến 10 năm tù, nhưng hoạt động điều tra vụ án chỉ thực sự tiến triển sau khi một doanh nhân được dẫn độ về Moldova vào ngày 29-8 vừa qua. Doanh nhân được nhắc tới là Vyacheslav Platon.   

Cựu đại biểu Quốc hội cũng dính líu

Theo yêu cầu của Moldova, Platon bị bắt tại Kiev, Ukraine vào ngày 25-7-2016 vì cáo buộc gian lận tài chính, bao gồm cả việc tham gia “vụ trộm thế kỷ” - sự biến mất bí ẩn của 1 tỉ USD tại 3 Ngân hàng Moldova là Banca de Economii, Banca Sociala và Unibanca.

Platon đã bị khởi tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 190) và rửa tiền (Điều 243 Bộ luật Hình sự Moldova). Sinh năm 1973 tại Moldova, ông Platon là một chính trị gia, luật sư, doanh nhân, cựu đại biểu Quốc hội Moldova từ năm 2009 đến năm 2010.

Trước đó, người đứng đầu Cơ quan chống rửa tiền của Moldova, ông Vasily Sharko khẳng định đã xác định được 5 cá nhân có liên quan đến việc chuyển tiền vào Moldova. Họ đã nhận 28 triệu lei Moldova, 20 triệu USD và 11 triệu euro. Trong 5 người đó có 2 người Ukraine và 3 người Nga gồm cả doanh nhân Alexander Grigoriev, người đồng sở hữu các ngân hàng Russky Zemelny, Zapadny và Transportny.

Grigoriev, một trong những kẻ cầm đầu tổ chức tội phạm rửa tiền lớn nhất ở Nga với sự tham gia khoảng 60 ngân hàng, đã bị bắt vào tháng 10-2015 tại Matxcơva về tội lừa đảo và tổ chức chuyển 46  tỷ USD ra nước ngoài. Cũng theo ông Sharko, 5 đối tượng này bằng cách này hay cách khác đều có quan hệ với Platon. 

Theo Hoàng Tuất (An Ninh Thủ Đô)

Nổi bật