Mối quan hệ trắc trở giữa cựu tổng thống Pháp và cố lãnh đạo Libya

21/03/2018 07:54:15

Cựu tổng thống Pháp Sarkozy ban đầu thể hiện thiện chí xây dựng quan hệ gần gũi với chính quyền Gaddafi nhưng về sau lại ủng hộ lật đổ ông này.

Mối quan hệ trắc trở giữa cựu tổng thống Pháp và cố lãnh đạo Libya
Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đón tiếp ông Gaddafi tại Paris vào năm 2007. Ảnh: Rex Features.

Cựu tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy ngày 20/3 bị cảnh sát bắt giữ để điều tra cáo buộc quỹ tranh cử của ông nhận số tiền hiến tặng 60 triệu USD trái phép từ cố lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi vào năm 2007. Luật Pháp chỉ cho phép một cá nhân tài trợ tối đa 7.500 euro (khoảng 9.200 USD) cho quỹ tranh cử của ứng viên tổng thống. Ngoài ra, số tiền 60 triệu USD cũng cao gấp hai lần mức giới hạn tối đa được phép cho mỗi quỹ tranh cử ở Pháp vào thời điểm đó.

Vụ điều tra này được tiến hành từ năm 2013 và ông Sarkozy liên tục phủ nhận cáo buộc trên. Ông Gaddafi, người cầm quyền ở Libya trong nhiều thập kỷ, đã bị phiến quân bắt giữ và giết chết vào năm 2011 sau khi các nước phương Tây, bao gồm cả Pháp, phát động cuộc không kích nhằm vào Libya.

Ông Sarkozy có mối quan hệ khá trắc trở với cố lãnh đạo Gaddafi vì vào thời gian đầu, cựu tổng thống Pháp chủ động xây dựng mối quan hệ hợp tác thân tình với chế độ của ông Gaddafi nhưng sau đó, Sarkozy lại ủng hộ lật đổ ông.

Năm 2007, Pháp là nước phương Tây đầu tiên dang tay chào đón Gaddafi kể từ khi Libya quyết định phá bỏ tình trạng cô lập ngoại giao vào 4 năm trước.

Theo Telegraph, vào tháng 12/2007, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đã đón tiếp nồng hậu Gaddafi tại thủ đô Paris bất chấp sự phản đối của nhiều quan chức trong nước bởi Gaddafi bị coi là nhà lãnh đạo độc tài, tài trợ cho chủ nghĩa khủng bố và có tham vọng phát triển vũ khí giết người hàng loạt.

Lúc đó, ông Sarkozy khẳng định với một tờ báo Pháp rằng: "Gaddafi không phải một nhà độc tài trong cảm nhận của thế giới Arab. Ông ấy là nguyên thủ lãnh đạo đất nước lâu nhất trong khu vực. Và ở thế giới Arab, đấy là điều quan trọng".

Khi Gadaffi được phép dựng lều truyền thống của người du mục trong khu vườn  trong khuôn viên nhà khách chính phủ gần Điện Elysee, ông Sarkozy lên án "những kẻ chỉ trích chuyến thăm của nhà lãnh đạo Libya quá mức và vô trách nhiệm".

"Nếu chúng ta không hoan nghênh những người đang trên con đường tìm sự tôn trọng, thì chúng ta sẽ nói gì với những người chọn con đường ngược lại?", ông nói. Song ông Sarkozy cũng thừa nhận Gadaffi "có nhân cách và tính khí riêng".

Tổng thư ký Điện Elysee lúc bấy giờ cho biết chuyến thăm 6 ngày của ông Gaddafi đã mang lại cho Pháp các hợp đồng bán máy bay chiến đầu và máy bay Airbus cho Libya với trị giá 10 tỷ euro, giúp tạo ra 30.000 việc làm ở Pháp. Tuy nhiên, con số này về sau giảm xuống còn ba tỷ euro và các quan chức thừa nhận 10 tỷ euro chỉ là con số được nêu ra trong các văn bản ghi nhớ về kế hoạch đàm phán.

Chuyến thăm Pháp lần đầu tiên trong 34 năm của ông Gaddafi diễn ra sau khi Pháp góp công lớn trong việc thuyết phục Libya phóng thích 5 y tá người Bulgary và một bác sĩ Palestine. Các nhân viên y tế này bị bắt giam từ năm 1999 và đã bị kết án tử hình với cáo buộc cố tình làm lây nhiễm virus HIV cho hàng trăm trẻ em tại một bệnh viện nhi ở thành phố Benghazi, Libya. Họ cho rằng vụ lây nhiễm xảy ra là do những thực hành vệ sinh kém của bệnh viện.

Bà Cecilia Sarkozy, phu nhân cựu tổng thống Sarkozy, đã bay đến Libya hai lần trong tháng 7/2007 để gặp Gadaffi và thuyết phục ông trả tự do các nhân viên y tế.

Vào tháng 8/2007, ông Sarkozy bác bỏ mối liên hệ giữ vụ Pháp làm trung gian môi giới để Gadaffi chấp nhận phóng thích các nhân viên y tế kể trên và quyết định của chính quyền Gadaffi sau đó về việc ký hợp đồng trị giá 300 triệu euro để mua tên lửa chống tăng cùng hệ thống liên lạc bộ đàm từ Tập đoàn Công nghiệp Hàng không - Quốc phòng châu Âu (tên gọi trước đây của tập đoàn Airbus) có trụ sở ở Pháp.

"Hợp đồng ấy không liên quan gì đến việc Libya phóng thích các y tá. Họ chỉ trích tôi vì điều gì cơ chứ? Ký hợp đồng? Tạo ra việc làm cho công nhân Pháp?", ông Sarkozy cật vấn.

Ông cũng khẳng định thỏa thuận giữa Pháp và Libya về một chương trình hợp tác năng lượng hạt nhân dân sự cũng hoàn toàn không liên quan đến việc trao trả các y tá và bác sĩ.

Khi bị những người chỉ trích nói rằng Pháp đang giúp Libya tiếp cận vũ khí hạt nhân, ông Sarkozy giải thích một lò phản ứng hạt nhân giúp khử muối, để chuyển nước biển thành nước uống ở Libya có thể hỗ trợ "đối phó với chủ nghĩa khủng bố và chủ nghĩa cuồng tín" vì nó sẽ giúp Libya phát triển kinh tế.

Tuy nhiên, vào tháng 3/2011, sau khi bị chỉ trích vì không lên tiếng mạnh mẽ để ủng hộ các cuộc cách mạng Mùa xuân Arab ở Ai Cập và Tunisia, ông Sarkozy là một trong những nguyên thủ phương Tây đầu tiên kêu gọi ông Gaddafi từ chức. Binh sĩ Libya bị cáo buộc nổ súng giết chết hàng trăm người biểu tình ủng hộ dân chủ ở Benghazi, vào tháng 2/2011. Tiếp theo, ông Sarkozy đưa Pháp đứng vào tuyến đầu trong các cuộc không kích của NATO nhằm vào binh sĩ chính quyền Gaddafi, giúp lực lượng nổi dậy ở Libya lật đổ Gaddafi vào tháng 8/2011.

Theo Hồng Vân (VnExpress.net)