Hai lăng mộ này đều được phái đoàn khảo cổ thuộc dự án Djehuty, do Hội đồng Cổ vật Tối cao Ai Cập (SCA) và Hội đồng Nghiên cứu Khoa học quốc gia của Tây Ban Nha (CSIC) phát hiện từ năm 2002 tại khu nghĩa địa Draa Abu El-Naga ở Luxor.
Trong suốt 20 năm qua, các quá trình khai quật, khôi phục và bảo tồn dự án đã mang tới nhiều phát hiện khảo cổ quý giá. Các nhà khảo cổ đã công bố những chiếc quan tài chứa xác ướp còn nguyên vẹn và khu vườn tang lễ duy nhất của người Ai Cập cổ đại được phát hiện cho đến nay.
Tham dự buổi lễ mở cửa cho công chúng tham quan hai lăng mộ nói trên ngày 11/2 có Tổng thư ký SCA Mostafa Waziri, Đại sứ Tây Ban Nha tại Ai Cập Álvaro Iranzo và Chủ tịch CSIC, bà Eloísa del Pino.
Phát biểu tại buổi lễ, Tổng thư ký SCA Waziri nhấn mạnh du khách có cơ hội khám phá hai lăng mộ là những bằng chứng sinh động về tập quán chôn cất các quan chức cao cấp trong Vương triều thứ 18 của thời kỳ Ai Cập cổ đại. Hai lăng mộ được trang trí bằng những bức phù điêu, trong khi điện chiếu sáng lấy từ nguồn pin năng lượng Mặt Trời.
Djehuty là quan giám sát ngân khố và quản lý các nghệ nhân phục vụ Nữ hoàng Hatshepsut (1507-1458 trước Công nguyên). Hery sống trước đó 50 năm và là cận thần giám sát kho báu cho Nữ hoàng Ahhotep (1560-1530 trước Công nguyên).
Trong hành lang dẫn tới nơi chôn cất của hai lăng mộ, các nghệ nhân cổ đại đã trang trí các bức tường bằng những hình khắc mô phỏng cảnh săn bắn và nghi lễ tôn giáo.
Tại lăng mộ của Djehuty, du khách sẽ được chiêm ngưỡng bức phù điêu khắc họa cảnh một người chơi đàn hạc cùng hai ca sĩ đứng phía sau, với phần lời bài hát cũng được khắc lên đây.
Trưởng phái đoàn khảo cổ Tây Ban Nha-Ai Cập José Manuel Galán tiết lộ thêm rằng tên và khuôn mặt của Djehuty trên các bức tường trong lăng mộ của ông đã được xóa có chủ ý sau khi vị quan này qua đời, với mục đích để người khác không biết rõ danh tính của vị quan này.
Kho báu Tanis: Một món quà của Pharaoh Thutmose III cho Tướng Djehuty.
Chiếc bát vàng của Djehuty ở Louvre có dòng chữ ghi rằng đó là món quà của Thutmose III dành cho vị tướng. Vào thời kỳ này, vàng là kim loại được các Pharaoh Ai Cập coi trọng nhất, sử dụng rất nhiều trong cung điện và trang trí lăng mộ.
Tang lễ hoàng gia là nơi thể hiện sự giàu có đặc biệt với người quá cố, không giới hạn ở việc cung cấp thực phẩm và vật dụng hàng ngày cần thiết cho cuộc sống của người chết sau này.
Được chế tạo bởi những nghệ nhân giỏi nhất thời bấy giờ, những chiếc bình đá vào thời điểm đó là biểu tượng vĩ đại nhất của địa vị xã hội và kinh tế, và truyền tải ý tưởng rằng càng có nhiều bình, quyền lực của chủ nhân càng lớn. Ý nghĩa tương tự này được mở rộng từ đá gia công sang vàng khi nó trở thành kim loại được ưa chuộng tại triều đình ở thời Trung cổ.
Theo Thiên Trang (Kienthuc.net.vn)