MiG-29SMT, MiG-35 đứng trước nguy cơ bị khai tử, cơ hội lớn để khách hàng "ép giá"?

28/11/2016 15:34:00

Các tiêm kích thuộc họ Fulcrum đang đứng trước nguy cơ mất hoàn toàn vai trò trong Không quân Nga vào tay dòng Flanker của Sukhoi.

Các tiêm kích thuộc họ Fulcrum đang đứng trước nguy cơ mất hoàn toàn vai trò trong Không quân Nga vào tay dòng Flanker của Sukhoi.

Tiêm kích MiG-29SMT của Không quân Nga

Theo định nghĩa cũ, "Tiêm kích tiền tuyến" là loại máy bay chiến đấu cánh bằng dùng cho nhiệm vụ tiêu diệt phương tiện chiến đấu đường không trong các trận không chiến cơ động trên không phận chiến trường và không phận phía trên chiều sâu chiến thuật của đối phương, để bảo vệ trực tiếp và yểm trợ hỏa lực vòng ngoài cho các lực lượng chiến đấu mặt đất.

Máy bay tiêm kích tiền tuyến (tiêm kích chiến thuật) được thiết kế linh hoạt khí động, bán kính hoạt động cách sân bay căn cứ không quá 500 km, có khả năng hoạt động tại sân bay dã chiến, trang bị vũ khí và khí tài chủ yếu phục vụ đối không, khả năng chống mục tiêu mặt đất hạn chế bằng vũ khí không điều khiển như bom, rocket hoặc pháo bắn nhanh.

MiG-29SMT, MiG-35 đứng trước nguy cơ bị khai tử, cơ hội lớn để khách hàng ép giá? - Ảnh 1.
Tiêm kích tiền tuyến MiG-21 bis của Không quân Liên Xô

Định nghĩa trên của Không quân Liên Xô hiện tại không còn được áp dụng trong Không quân Nga, họ đã triển khai khái niệm mới đó là "Máy bay tiêm kích đa nhiệm". Cụ thể, các máy bay tiêm kích tiền tuyến mới sẽ thực hiện cả nhiệm vụ chế áp phòng không, lẫn đối đầu tiêm kích địch, cùng lúc tiêu diệt mục tiêu mặt đất nằm sâu trong chiến tuyến đối phương.

Nhiệm vụ trên từng được Không quân Nga đặt kỳ vọng vào MiG-29SMT hay MiG-35, khi chúng là hậu duệ của những dòng tiêm kích tiền tuyến rất thành công trước kia và lại được bổ sung năng lực cường kích khá mạnh.

MiG-29SMT, MiG-35 đứng trước nguy cơ bị khai tử, cơ hội lớn để khách hàng ép giá? - Ảnh 2.
MiG-35 từng được kỳ vọng sẽ đáp ứng tốt khái niệm tiêm kích tiền tuyến mới của Không quân Nga

Tuy nhiên gần đây đã có diễn biến mới rất đáng chú ý, đó là sự ưu việt của Su-30SM trong việc thực hiện chức năng trên.

Từ thành công ban đầu tại chiến trường Syria, khi Su-30SM vừa thực hiện tốt nhiệm vụ ném bom tiêu diệt các mục tiêu mặt đất của quân nổi dậy, lại vừa đảm bảo vai trò tiêm kích phòng không, Không quân Nga đã quyết định giao nốt cho nó thực hiện chế áp phòng không đối phương (SEAD - Suppression Enemy Air Defend).

Mới đây tại trường bắn Astrakhan, các phi công của Trung tâm bay thử V.P Chlakov Aktunbinsk 929 GLIT đã tiến hành đánh giá khả năng này của Su-30SM khi cho nó mang tên lửa chống bức xạ diệt radar Kh-31P trong những bài bắn đạn thật.

Radar đa năng N011M BARS của Su-30SM ngoài việc rất mạnh ở đối không thì trong chế độ đối đất - đối hải, nó phát hiện được nhóm xe tăng từ 40 - 50 km, tàu khu trục cách 120 km và lên tới 200 km với tàu sân bay, không thua kém bao nhiêu so với máy bay ném bom tiền tuyến Su-34.

MiG-29SMT, MiG-35 đứng trước nguy cơ bị khai tử, cơ hội lớn để khách hàng ép giá? - Ảnh 3.
Tiêm kích Su-30SM mang tên lửa chống bức xạ Kh-31P để thực hiện nhiệm vụ SEAD

Rõ ràng Su-30SM tỏ ra đáp ứng tốt mọi yêu cầu về một tiêm kích tiền tuyến mới của Không quân Nga, nó khiến cho MiG-29SMT lẫn MiG-35 đang đứng trước nguy cơ bị khai tử, vừa do tính năng chiến đấu kém hơn lại còn chưa chứng tỏ độ tin cậy thực sự.

Bên cạnh đó, Su-30SM được dự báo có tiềm năng xuất khẩu rất lớn, nhiều quốc gia đã bày tỏ sự quan tâm và mong muốn sớm được sở hữu, tình cảnh này trái ngược hoàn toàn với gia đình Fulcrum.

Nếu muốn hoàn thiện tính năng cho MiG-29SMT hay MiG-35, có lẽ Nga sẽ phải sớm tìm đối tác nước ngoài để dùng chính tiền bán vũ khí đầu tư trở lại cho công việc nghiên cứu, phát triển.

Đây là cơ hội lớn để cho khách hàng để tận dụng thời cơ "ép giá" nhà sản xuất, điều thường rất khó xảy ra. Thiết nghĩ một số quốc gia nghèo đang tìm kiếm một loại chiến đấu cơ mới để thay thế MiG-21/23 nên khẩn trương tận dụng.

Theo Sao Đỏ (Soha.vn/Trí Thức Trẻ)