Quyết định cho MiG-21 khép cánh, tạm biệt bầu trời là hết sức khó khăn, nhưng có thể nói đây là quyết định rất dũng cảm và sáng suốt.
|
MiG-21Bis của Đoàn Không quân Sao Đỏ lừng danh.
|
Huyền thoại MiG-21
Thấm thoắt đã tròn 50 năm kể từ ngày Không quân Nhân dân Việt Nam tiếp nhận những chiếc máy bay tiêm kích MiG-21 do Liên Xô viện trợ.
Những chú "én bạc" đã cùng các phi công siêu hạng của Việt Nam lập nên không biết bao nhiêu chiến công huyền thoại, khiến kẻ địch phải khiếp sợ và nể phục.
Đến nay vẫn chưa có lời lý giải thỏa đáng về huyền thoại "Đại tá Toon" lưu truyền trong giới phi công Mỹ thời ấy. Có người cho rằng đó là một phi công siêu hạng của Không quân Việt Nam, cũng có người cho rằng "thần hồn nát thần tính" nên sinh ra vậy.
Chỉ biết, mỗi khi bay vào vùng trời miền Bắc Việt Nam, thấy MiG (cả MiG-17/19 và MiG-21) xuất hiện là phi công Mỹ la thất thanh "MiG, MiG... chú ý MiG" và mạnh ai nấy chạy, vứt bom bừa bãi để nhẹ gánh và dễ bề tẩu thoát.
Với 167 chiến công bắn hạ máy bay địch, MiG-21 đã lập nên kỳ tích có một không hai, cùng với đó là nhiều phi công trở thành anh hùng và có những phi công đạt đẳng cấp Ace - "phi công siêu cấp", bắn rơi 5 máy bay địch trở nên.
|
Bộ 3 MiG-21 huyền thoại với nhiều chiến công nhất của Không quân Nhân dân Việt Nam. |
Quyết định dũng cảm...
50 năm kể từ tháng 12/1965, khi những chú "én bạc" gia nhập biên chế Không quân Việt Nam, là một quãng đường không dài, nhưng với một dòng máy bay thế hệ 3 như MiG-21 thì quả thật là một kỷ lục, không chỉ ở chiến công mà còn ở tuổi thọ hoạt động.
Thế mới biết, bên cạnh những tính năng xuất sắc đã được chứng minh qua thực tế không chiến, MiG-21 còn thể hiện sự tin cậy, ổn định, điều mà trong tác chiến luôn được đánh giá cao.
Tại sao nói cho MiG-21 nghỉ hưu là quyết định dũng cảm?
Đơn giản là vì MiG-21 dừng bay, chắc chắn Không quân Việt Nam sẽ bị mất đi một lực lượng không quân tiêm kích quan trọng, trong khi số lượng máy bay thế hệ mới chưa nhiều, chưa đủ bù đắp nổi khoảng trống mà những chú "én bạc" để lại.
Hơn nữa, những phi công, thợ kỹ thuật và các lực lượng bảo đảm khác vốn chỉ chuyên với MiG-21 sẽ chuyển loại thế nào, bố trí nơi công tác mới ra sao là cả một bài toán lớn, hết sức khó khăn phức tạp.
Khó nhất vẫn là đội ngũ phi công đã có tuổi, rất dày dạn kinh nghiệm bay trên MiG-21 nhưng nay chuyển loại sang máy bay thế hệ mới thì lại sắp hết tuổi bay, thời gian phục vụ còn lại không nhiều.
Chắc hẳn không chỉ những con người trực tiếp sát cánh cùng MiG-21 có nhiều băn khoăn, trăn trở, mà còn cả lãnh đạo Quân chủng PK-KQ, Bộ Tổng Tham mưu và Bộ Quốc phòng phải tính nát nước và cũng rất "tâm tư".
Trong bối cảnh Không quân được xác định tiến thẳng lên hiện đại, nhưng để thay thế MiG bằng các loại máy bay tiêm kích đa năng thế hệ mới, thì cần phải có thời gian và lộ trình, đặc biệt là phụ thuộc nhiều vào khả năng tài chính, vốn rất eo hẹp của Việt Nam.
Thế nên, quyết định cho MiG-21 khép cánh, tạm biệt bầu trời là hết sức khó khăn và có thể nói đây là quyết định rất dũng cảm.
|
MiG-21 cùng nhiều phi công Việt Nam đã lập chiến công huyền thoại, khiến kẻ địch phải khiếp sợ và nể phục. |
... và sáng suốt
Nói MiG-21 tròn 50 năm hoạt động trong Không quân Việt Nam ấy là tính từ khi tiếp nhận viện trợ năm 1965, còn những chiếc mới ngừng bay là loại MiG-21Bis tiếp nhận từ cuối những năm 1970 và trong thập niên 1980, đến nay cũng đã có 30-35 năm bay liên tục.
Chúng đã đạt tới ngưỡng, thậm chí vượt cả tuổi thọ khung thân theo thiết kế là nhờ Cuộc vận động 50 "Giữ tốt, dùng bền, an toàn tiết kiệm và an toàn giao thông" mà Bộ Quốc phòng phát động và duy trì suốt hàng chục năm qua.
Cho dù là biến thể mới nhất, nhưng MiG-21Bis vẫn là máy bay tiêm kích thế hệ 3+, đến nay chúng đã quá lạc hậu so với xu hướng phát triển của công nghiệp hàng không quân sự thế giới, khi mà đến ngay như các máy bay thế hệ 4 cũng đứng trước nguy cơ lạc hậu.
MiG-21 có nâng cấp được không? Chắc chắn là có, nhưng rõ ràng một máy bay thế hệ 3, nếu có nâng thì cùng lắm cũng chỉ lên tầm ngang ngửa thế hệ 4, vậy mà thế hệ 4 còn lạc hậu thì nâng cấp làm gì, trong khi tuổi thọ kéo dài thêm được chẳng đáng là bao.
Nếu bỏ ra một lượng tiền lớn để nâng cấp kéo dài tuổi thọ cho MiG-21 là một quyết định không hợp lý.
Được biết, đầu những năm 2000, có nhiều đối tác chào hàng những gói nâng cấp tương đối hiện đại cho MiG-21, những họ chỉ nhận được cái "lắc đầu" rất lịch sự.
Một "ông lão" như MiG-21 đã qua thời sức lực cường tráng, thì dù có bồi bổ nhân sâm hay cho dùng những loại thuốc quý, đồ ăn cao lương mỹ vị thì vẫn là "ông lão" đúng nghĩa, luôn tiềm ẩn những nguy cơ mất an toàn bay.
Và không phải chỉ Việt Nam nhận thấy điều đó, mà một lực lượng không quân hàng đầu châu Á như Ấn Độ cũng phải coi MiG-21 như một nguyên nhân chính khiến họ mất đi nhiều phi công giỏi mà phải tốn rất nhiều tiền của mới đào tạo nên được.
Họ tự sản xuất được máy bay, tự chủ được phụ tùng thay thế mà còn phải "ngán ngẩm" thì đến giờ này, khi MiG-21 chính thức nghỉ hưu, ta mới thấy đây là một quyết định hoàn toàn đúng và mới thấy được tầm nhìn xa khi bỏ qua việc nâng cấp MiG-21.
Không quân Việt Nam sẵn sàng chấp nhận một sự thiếu hụt nhất định trong thời gian ngắn để dần được bằng các máy bay tiêm kích đa năng thế hệ mới.
|
Các máy bay MiG-21 rồi đây sẽ được thay thế bằng những loại máy bay tiêm kích đa năng hiện đại. |
Thế nên, vâng, lại thế nên, quyết định cho MiG-21 dừng bay là sáng suốt. Chắc hẳn sẽ có nhiều người tiếc nuối, nhưng há chẳng phải Không quân Việt Nam tạm lùi một bước nhưng là để tiến những bước dài hơn, mạnh mẽ hơn, tiến thẳng lên hiện đại.
>> Chia tay huyền thoại bầu trời: "Chim cắt số 2" kể về "cánh én bạc"
Theo Bình Nguyên (Soha.vn/Trí Thức Trẻ)