Chiến đấu cơ huyền thoại MiG-21. Ảnh Sputnik |
Theo ông Farley, chỉ có một vài mẫu máy bay quân sự có thể “trường tồn với thời gian” và một trong số đó là chiếc MiG-21. MiG-21 được Liên Xô chế tạo vào giữa những năm 50 của thế kỷ trước và đạt tốc độ Mach 2.
MiG-21 được trang bị 2 súng máy và có thể mang theo 6 quả tên lửa. Đây là loại máy bay thường được sử dụng trong các chiến dịch tấn công. Trong giai đoạn từ năm 1959-1985, Liên Xô đã chế tạo tổng cộng 10.645 chiếc MiG 21.
Ngoài ra, theo thỏa thuận với Nga sau này, Ấn Độ cũng đã cho xuất xưởng 657 chiếc MiG-21 và Séc và Slovakia 194 chiếc. Trong giai đoạn từ 1966-2013, Trung Quốc cũng đã cho ra đời 2.400 chiếc.
Ông Farley ca ngợi: “Các chiến đấu cơ hiện đại không bay nhanh hay né tránh tốt hơn MiG-21 là mấy. Dù chúng có thể mang thêm nhiều loại vũ khí hơn và được trang bị hệ thống điện tử phức tạp hơn MiG-21, không quân nhiều nước vẫn coi đó là “sự xa xỉ”. Họ chỉ cần một chiếc máy bay giá rẻ, bay nhanh, dễ bảo trì để đảm nhiệm nhiệm vụ tuần tra và khi cần có thể ném bom. MiG-21 là rất phù hợp đối với họ”.
Cũng theo ông Farley, nếu số lượng MiG-21 được chế tạo tăng thêm thì đây sẽ là “loại máy bay siêu thanh được chế tạo nhiều nhất trong lịch sử”. MiG-21 đã từng tham gia các cuộc chiến tại Trung Đông giữa Arab và Israel và cuộc xung đột Ấn Độ-Pakistan. Trong các chiến dịch được sử dụng, MiG-21 đều cho thấy mình “rất đàng giá”.
Số lượng MiG-21 đã bắt đầu suy giảm vào cuối những năm 80 và đầu những năm 90 của thế kỷ trước khi các chiến đấu cơ này được thay thế bằng những mẫu hiện đại hơn. Tuy nhiên, hiện tại MiG-21 vẫn được sử dụng bởi không quân của 18 quốc gia, bao gồm 2 thành viên của NATO là Romania và Croatia.
Theo ông Farkey, MiG-21 hoàn toàn có thể chạm ngưỡng 60 và 70 năm ra đời bởi cho đến nay MiG-21 vẫn là “một trong những chiến đấu cơ huyền thoại” của kỷ nguyên siêu thanh.