Trong ngôi nhà nhỏ phía bờ đông Ấn Độ, cô bé G. Sonali Reddy ngày ngày nấu ăn cho các em của mình, vỗ về chúng, ru chúng ngủ, giống như những gì mẹ cô bé đã từng làm.
Sonali mới chỉ 14 tuổi, thời điểm người ta vẫn gọi là "tuổi ăn tuổi chơi". Nhưng thay vào đó, cô bé lại trở thành trụ cột của gia đình. Cách đây vài năm, cha Sonali đã tự sát vì thất bại kinh doanh. Và rồi tháng 5/2021, mẹ của cô bé - Sabita - cũng ra đi mãi mãi vì Covid-19, khi đại dịch càn quét và biến Ấn Độ trở thành một địa ngục.
"Mẹ bảo vệ, bao bọc chúng cháu khỏi những bão giông cuộc đời," - Sonali nén nước mắt kể lại. "Cháu luôn tưởng tượng mẹ vẫn đang ở bên dõi theo, để có thể bước tiếp."
Sonali và các em của cô bé chỉ là phần nhỏ trong số 3000 trẻ em Ấn Độ trở thành mồ côi vì đại dịch - theo số liệu thống kê của chính phủ. Đó là những minh chứng đau lòng, cho thấy sự tàn phá kinh hãi của đại dịch là lớn như thế nào, khi cướp đi sinh mạng của hàng trăm ngàn người trên khắp đất nước.
Và hoàn cảnh của những đứa trẻ đã khiến cộng đồng phải lay động, ở một đất nước vốn đã có quá nhiều trẻ em dễ bị tổn thương.
Những đứa trẻ "bất ngờ mồ côi"
Các bang Ấn Độ đã thông báo mức trợ cấp từ 7 đến 68 đô (khoảng 150 đến 1,6 triệu đồng)/tháng cho mỗi trẻ mồ côi, cùng lời hứa sẽ cung cấp thực phẩm và tiếp cận giáo dục miễn phí. Thủ tướng Narendra Modi thề rằng sẽ đảm bảo cuộc sống và cơ hội cho tất cả những trẻ em có hoàn cảnh như vậy.
Nhưng nỗi sợ vẫn ở đó. Người ta sợ rằng khi sự chú ý của cộng đồng phai nhạt, những đứa trẻ sẽ bị ngó lơ và trở thành miếng mồi ngon để lạm dụng, bóc lột. Sự thách thức thực chất đã hiển hiện. Những đứa trẻ mất gia đình đã gặp khó khăn để xin giấy chứng tử cho người thân - thứ cần thiết để lấy được trợ cấp của chính phủ. Một số trẻ thì không thể trở lại lớp, cũng vì thiếu giấy tờ.
Trong dài hạn, những đứa trẻ mồ côi có xuất thân nghèo khó tại các khu vực xa xôi có thể trở thành nạn nhân bị buôn người, hoặc tảo hôn. Trên thực tế, bắt cóc và buôn lậu trẻ em là vấn đề khá phổ biến tại Ấn Độ, khi chúng bị ép lao động hoặc biến thành nô lệ tình dục. Ấn Độ cũng là đất nước có số lượng "cô dâu trẻ em" lớn nhất thế giới, theo số liệu của UNICEF.
Đa số lũ trẻ cũng không có cơ hội được nhận nuôi, khi văn hóa Ấn Độ xem đây là đi ngược lại truyền thống. Đặc biệt là những trẻ lớn thường sẽ khó lòng đáp ứng được nhu cầu của gia đình nhận nuôi.
Một buổi sáng tại làng Pattapur (bang Odisha, Ấn Độ), nhà chức trách địa phương đã tới ngôi nhà của Sonali. Lúc này, bà ngoại cô bé đã chuyển đến chung sống và chăm sóc các cháu. Họ tới để đưa số tiền hỗ trợ cho lũ trẻ, đủ tiền để chúng sống qua mùa hè, cùng một túi gạo lớn. Mỗi em đều được mở tài khoản ngân hàng đứng tên mình.
Đôi mắt đẫm lệ, Sonali lắng nghe một cách chăm chú khi các cán bộ giải thích về cách sử dụng tài khoản. Hai em của cô bé - Jagabalia (8 tuổi) và Bhabana (5), trông bơ phờ, nắm chặt lấy gấu váy của chị.
Ngay cả trước khi mẹ qua đời, gia đình cô bé vốn cũng chỉ đủ ăn. Mẹ cô bé mở một tiệm ăn nhỏ ngay trước nhà, chi tiêu rất tằn tiện để đủ tiền học thêm cho con. Sau khi cha mất, mẹ là tất cả đối với cô bé.
"Các em cháu van nài 'Tụi em muốn gặp mẹ,'" - Sonali nói một cách buồn rầu. "Khi cha mất, chúng cháu nghĩ ít ra thì mẹ còn ở đây. Giờ thì virus đã mang mẹ đi mất rồi".
Bao giờ thì mẹ về?
Cách đó vài trăm dặm, tại thành phố Hyderabad, G. Sathwik Reddy, 13 tuổi (không liên quan đến cô bé Sonali phía trên) cũng phải nghe những lời van xin tương tự từ em của mình. Cha mẹ cậu bé cũng đã mất trong đợt dịch bệnh vừa qua.
Em gái 3 tuổi Haanvi liên tục đòi gặp bố mẹ. Sathwik đáp lại, đơn giản nhưng đau lòng: "Mai bố mẹ sẽ về".
Cha của Sathwik - ông Gopal - kinh doanh hàng rào sắt cho trang trại. Giống như hàng triệu gia đình trung lưu của Ấn Độ, họ cũng phải chi tiêu tiết kiệm để cho con được học tập trong các trường tư thục. Mẹ của cậu - Deepa chỉ làm nội trợ, nhưng có tay nghề nấu nướng tuyệt hảo, theo trí nhớ của Reddy.
Tháng 4/2021, cả bố mẹ Reddy cùng bà ngoại đã nhiễm virus. Với việc oxy thiếu trầm trọng, các bệnh viện buộc phải từ chối bệnh nhân. Cả gia đình vì thế đã rất lo sợ, rằng cơ hội cho họ sống sót là rất thấp.
Deepa được nhập viện, nhưng khi đó đã vô cùng yếu. Bà phải nằm trong máy thở suốt 2 tuần, gần như không có ý thức. Tình trạng phổi của Gopal cũng nhanh chóng xấu đi. Và rồi đến đầu tháng 5, cả 3 người đều tử vong.
Tại đám tang, Sathwik nhìn thấy khuôn mặt cha lấp ló phía sau tấm nhựa bọc thi thể nạn nhân Covid. Cậu tê dại vì quá sốc, nhưng chỉ có thể bật khóc một mình mỗi khi đêm xuống.
"Cháu phải mạnh mẽ, làm chỗ dựa cho các em" - cậu bé khẳng định.
Phía Bắc Ấn Độ, tại một khu đồng bằng bụi bặm, là nơi Shawez Saifi (18 tuổi) nuốt nước mắt dỗ em gái khi cô bé giật mình tỉnh giấc, gào khóc gọi mẹ.
Cha mẹ của Shawez - Shamshad và Shabnam - đã nhiễm bệnh hồi tháng 4. Shawez là người đưa bố mẹ đến gặp một bác sĩ địa phương và được yêu cầu làm xét nghiệm. Nhưng với số tiền ít ỏi có được từ việc làm công nhân công trường của chồng, Shabnam nghĩ rằng họ nên trở về quê tại Murad Nagar để hồi phục thì hơn.
Ở căn nhà một phòng ngủ, Shawez cùng các em phải ngủ ngoài hiên, để căn phòng bên trong cho cha mẹ cách ly. Tình trạng của họ nhanh chóng xấu đi, buộc phải chuyển đến nhà một họ hàng thân cận. Vài ngày sau, Shabnam qua đời. Chồng cô cũng nối gót sau đó ít ngày.
Shawez vốn đã phải bỏ học để phụ giúp cha làm việc tại công trường. Cậu cùng em gái đi cùng cha mẹ, nhưng trở về thì không còn họ nữa, trong khi chủ cho thuê đuổi họ ra đường vì chưa trả tiền nhà. Chú của cậu phải vay mượn ít tiền để trả một phần khoản nợ, đủ để Shawez và các em được vào và thu dọn đồ đạc.
Kahkashan, em gái 9 tuổi của Shawez, có lẽ phải chịu nhiều tổn thương nhất. Gần như mỗi ngày, cô bé đều nhấc điện thoại gọi cho mẹ, nói chuyện như thể đầu dây bên kia đã có người bắt máy.
"Mẹ ơi, khi nào mẹ về? Con nhớ mẹ lắm" - cô bé ngày nào cũng nói như vậy.
"Mơ ước của cháu chỉ là cho các em được ăn học đầy đủ. Mẹ thường gọi cho cháu khi đang làm việc, nói rằng 'Con ơi, muộn rồi. Bao giờ thì con về?' Giờ thì chẳng còn ai gọi cháu nữa."
Theo J.D (Pháp Luật & Bạn Đọc)