Cuộc sống của người dân Ukraine đã hoàn toàn bị đảo lộn kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự vào Ukraine. Những con đường yên tĩnh, thanh bình giờ đây lại chìm trong bom đạn và khói lửa.
Hàng dài người xếp hàng trước các trạm xăng, siêu thị, máy rút tiền, ánh mắt của họ không thể giấu nổi sự sợ sệt và lo lắng. Và ngay cả những đứa trẻ đang tuổi ăn, tuổi chơi, tuổi đến trường, chúng cũng nhận thức được sự nguy hiểm, mất mát mà người lớn đang chịu đựng.
“Mẹ ơi, điều gì sẽ xảy ra nếu bố chết khi chiến đấu hả mẹ? Bây giờ con có cần phải ra trận không? Con có cần chiến đấu để bảo vệ đất nước của mình không?”. Câu hỏi của cặp song sinh 8 tuổi cứ mãi văng vẳng bên tai người mẹ, nhưng giờ chị cũng chẳng biết câu trả lời, chỉ có thể trấn tĩnh các con dù lòng chị đang như lửa đốt.
Chị Oksana Mudriyk (44 tuổi) cho biết, hiện chị và 2 con trai song sinh Arina và Danylo đang sống ở Fulham (London, nước Anh), nhưng chồng chị là Alex đang mắc kẹt ở Kiev sau khi trở về Ukraine vì chuyện gia đình. Chính vì vậy, không chỉ chị Oksana mà cả cặp song sinh 8 tuổi cũng đang rất lo lắng cho an nguy của bố mình.
“Đó là một thảm kịch đáng sợ, gây sốc, đau lòng và tàn khốc”, chị nói. “Chồng tôi bị đánh thức vào sáng sớm bởi tên lửa ở Kiev Người dân sống ở đường lớn hay ngõ nhỏ đều có thể nghe thấy tiếng bom”.
“Ai nấy đều hoảng sợ, nhưng xen lẫn là sự tức giận và mọi người hiểu rằng cần phải chiến đấu để bảo vệ đất nước của mình, bởi không ai có thể làm điều này thay chúng tôi cả”, chị Oksana chia sẻ. Và rõ ràng, các con của chị cũng nhận thức được điều này.
Không chỉ Osakana mà rất nhiều người Ukraine đang sống ở nước ngoài cũng đã dành nhiều thời gian để cố gắng liên lạc với bạn bè, người thân của họ khi xung đột nổ ra. “Điều đầu tiên tôi làm là nhanh chóng kiểm tra gia đình và bạn bè của mình. May quá, họ vẫn an toàn”, anh Yaroslav Taranenko, 40 tuổi, đã sống ở London hơn 5 năm và có gia đình ở miền nam Ukraine, nói.
Anh Yaroslav cho biết, anh đã tốn nhiều công sức để xin visa cho mẹ tới Anh và bà ấy dự định sẽ có một cuộc hẹn tại trung tâm tiếp nhận hồ sơ xin thị thực ở Kyiv vào ngày 25/2. Thế nhưng, mọi việc đành phải bỏ dở vì việc đi lại không còn an toàn và văn phòng thị thực đã đóng cửa.
“Tôi vừa mua một căn hộ tuyệt vời và tôi đã hy vọng mẹ tôi sẽ đến thăm, nhưng bây giờ tôi không biết khi nào điều đó mới thực hiện được”, anh Yaroslav buồn phiền nói. Hiện tại, anh cũng chẳng biết làm gì hơn ngoài tự trấn an bản thân, cố gắng hỗ trợ người thân đang ở quê nhà và cầu mong những ngày u ám này trôi qua mau.
Theo An Chi (Saostar.vn)