Truyền thông Trung Quốc cho rằng động cơ máy bay J-10 nhập khẩu từ Nga bị trục trặc đã dẫn đến nhiều vụ rơi máy bay loại này trong những năm gần đây.
Ông Ni Lexiong, nhà phân tích quân sự ở TP Thượng Hải, cho báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) biết từng có nhiều vụ tai nạn liên quan đến máy bay J-10 nhưng nguyên nhân không được công bố. Chuyên gia này cho rằng những vụ tai nạn là “cái giá phải trả” cho quá trình hiện đại hóa quân sự Trung Quốc.
Một chiếc máy bay J-10. Ảnh: Quwa |
Vào ngày 28-9, một chiếc J-10 rơi gần căn cứ không quân Yangcun ở Thiên Tân sau khi tông trúng một con chim. Hồi tháng 5, một chiếc J-10 rơi ở thị trấn Thái Châu, tỉnh Chiết Giang. 3 vụ rơi máy bay J-10 khác được ghi nhận hồi năm ngoái ở Thẩm Dương, Hồ Châu và Thái Châu. Trong tháng 11- 2014, một máy bay chiến đấu J-10 đã rơi ở ngoại ô Thành Đô, làm bị thương ít nhất 7 người trên mặt đất.
Vào ngày 19-9 năm nay, một chiếc J-10 xuất phát từ quân khu Thẩm Dương đã rơi trong một sứ mệnh tuần tra đêm. Truyền thông Trung Quốc dẫn lời phi công Li Tong cho biết động cơ do Nga sản xuất bị mất điện ở độ cao hơn 3.000 m. Người này đã nhảy dù thoát ra ngoài, dù may mắn sống sót nhưng bị thương ở cổ và cột sống.
J-10 là máy bay chiến đấu hạng nhẹ một động cơ được phát triển bởi Tập đoàn Máy bay Thành Đô vào những năm 1990 và đưa vào phục vụ từ năm 2005. Nó được lắp đặt động cơ AL-31 mạnh mẽ của Nga, mà ban đầu vốn được dành cho dòng máy bay Su-27 hai động cơ.
Dòng máy bay J-10 gặp một số vấn đề tương thích trong việc sử dụng AL-31. Nhưng thời điểm đó, động cơ máy bay WS-10 do Trung Quốc thiết kế thậm chí không đáng tin cậy hơn động cơ của Nga. Do đó đến nay, Trung Quốc vẫn tiếp tục sử dụng động cơ Nga.
Nữ phi công Yu Xu qua đời ở tuổi 30. Ảnh: PLA Daily |
Theo một số ấn phẩm hải quân Trung Quốc được trang Sina trích dẫn, quá trình tham vấn với các nhà cung cấp từ Nga trong việc tìm giải pháp cho các vấn đề tương thích AL-31 đã bị trì hoãn vì thiếu kinh phí.
Đề cập đến vụ rơi máy bay vào tháng 9, cư dân mạng cho rằng việc truyền thông Trung Quốc mô tả hành động khẩn cấp của phi công Li Tong đã đánh lạc hướng sự chú ý của công chúng về những lỗi kỹ thuật chung của các máy bay chiến đấu hiện đại.
Ngoài ra, tay nghề phi công cũng được nhắc tới. Theo SCMP, để trở thành phi công ở Trung Quốc cần đáp ứng đủ 1.000 giờ bay, ít hơn so với 1.500 giờ bay của các nước phát triển.
Theo Xuân Mai (Nld.com.vn)