Cả Nga và Mỹ đều tuyên bố đã bắt đầu quá trình phát triển chiến đấu cơ thế hệ 6. Vậy diện mạo dòng máy bay mới của Nga-Mỹ sẽ thế nào?
Ngày 2/3, Phó Thủ tướng Nga Dmitry Rogozin cho biết trong một thông báo Nga đã bắt đầu quá trình chế tạo máy bay chiến đấu thế hệ 6. Phòng Thiết kế thử nghiệm của tập đoàn chế tạo máy bay Sukhoi đã giới thiệu những thiết kế đầu tiên của máy bay tiêm kích thế hệ 6.
Theo nguồn tin này, máy bay thế hệ thứ 6 của Nga sẽ được phát triển ở các phiên bản có người lái và dành nhiều ưu tiên hơn cho phiên bản không người lái.
Thông tin về chiến đấu cơ thế hệ 6 cũng đã được Nga tiết lộ hồi cuối năm 2015. Cụ thể, Phó Tổng giám đốc Công ty Sukhoi phụ trách về thiết bị avionics Viktor Polyakov cho biết, chiến đấu cơ thế hệ 6 của Nga chắc chắn sẽ là máy bay không người lái (UAV).
Tuy nhiên ông Polyakov lại nói rằng: “Hiện tại, thuật ngữ và các dấu hiệu đặc trưng riêng của thế hệ 6 chưa rõ ràng. Có thể dự đoán rằng, có lẽ đó sẽ là loại UAV nào đó”.
Việc ông Polyakov đưa ra ý tưởng về một loại chiến đấu cơ thế hệ thứ 6 của Nga cho thấy nó vẫn chưa thực sự rõ ràng, trong khi đó người Mỹ đã có những tiêu chí cụ thể cho tiêm kích thế hệ mới này.
Tiêm kích T-50 PAK FA. |
Tiêu chuẩn của Mỹ
Hiện các công ty của Mỹ là Lokheed Martin, Northrop Grumman, Boeing và một số hãng hàng không vũ trụ khổng lồ khác đang chú ý đến khả năng phát triển, chế tạo máy bay thế hệ thứ 6. Nhằm tạo ra một thế hệ máy bay chiến đấu tiên tiến có thể đáp ứng các yêu cầu tác chiến của lực lượng không quân và hải quân từ năm 2030-2060.
Theo ý tưởng được các hãng sản xuất trên đưa ra, công nghệ chủ chốt trên máy bay thế hệ thứ 6 được xác định là động cơ với chu kỳ làm việc thay đổi, công nghệ tàng hình hoàn toàn với bất kỳ hệ thống radar nào, trí tuệ nhân tạo và công nghệ máy bay không người lái.
Ngoài các yếu tố kể trên, các nhà sản xuất Mỹ còn đặt ra tiêu chuẩn về tốc độ và tầm cao. Đối với những máy bay thế hệ thứ hai và thứ ba, thì tốc độ là đặc tính cơ bản, có nghĩa là tốc độ càng lớn thì càng tốt, thế hệ thứ 4 vấn đề này không còn là tiêu chí hàng đầu, đến thế hệ máy bay thứ 5 yếu tố tốc độ được thừa nhận là thứ yếu.
Thế nhưng, máy bay thế hệ thứ 6, đặc tính tốc độ và tầm cao có thể được “khẳng định” trở lại.
Trong năm 2009, Không quân Mỹ bắt đầu kích hoạt việc phát triển động cơ phản lực hai luồng khí với khả năng thay đổi chu kỳ làm việc, có thể đẩy máy bay tới tốc độ Mach 4 hoặc Mach 5 (gấp 4 hoặc 5 lần tốc độ âm thanh).
Đồng thời cũng đưa ra một yêu cầu phi thường cho máy bay thế hệ mới, đó là có thể vươn tới tầm cao mới là không gian gần trái đất. Người Mỹ đã phát triển được một số nguyên mẫu máy bay siêu thanh có tốc độ lớn lơn Mach 5 và tàu không gian không người lái tái sử dụng X-37 Orbiter của Mỹ có thể coi là một trong hình mẫu của máy bay chiến đấu không gian tương lai.
Tiêm kích F-35A. |
Ngoài ra, theo các nhà sản xuất Mỹ, máy bay thế hệ mới phải là cuộc cách mạng vũ khí. Các nhà phân tích cho rằng máy bay chiến đấu thế hệ mới có thể được trang bị hệ thống chiến đấu mang tính cách mạng, chẳng hạn như vũ khí điều khiển năng lượng (laser) và vũ khí động học siêu thanh.
Trong nhiều năm qua, các nước Mỹ và Nga đã bắt đầu thử nghiệm các loại vũ khí laser trên máy bay vận tải cỡ lớn nhưng vẫn chưa đạt được kết quả đáng kể.
Và tiêu chuẩn cuối cùng được các nhà sản xuất đưa ra là công nghệ tàng hình. Theo tiêu chí, máy bay chiến đấu thế hệ thứ 6 phải sở hữu công nghệ tàng hình mức độ cao để có thể “lẩn tránh” trong tất cả các tần số vô tuyến cũng như trong quang phổ.
Thế nhưng, ngay cả người Mỹ cũng thừa nhận rằng máy bay chiến đấu tàng hình là một phương tiện vô cùng đắt đỏ và nếu như cố gắng để đạt được trình độ tàng hình trong quang phổ sẽ còn tốn kém hơn rất nhiều.
Mặt khác, trong tương lai gần, với tốc độ phát triển của công nghệ điện tử, khả năng “vô hình” của các máy bay sẽ còn “bấp bênh” hơn nhiều. Vậy máy bay thế hệ thứ sáu sẽ như thế nào? Hiện cả Nga và Mỹ vẫn chưa có câu trả lời cụ thể.
Theo Thùy Dung (Đất Việt)